Loạt bài “Cách mạng xanh” đón kỷ nguyên và vận hội mới

Bài 2: “Cách mạng xanh” toàn ngành ngân hàng góp phần vào phát triển bền vững

Tính đến 31/3/2024 đã có 47 tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank, cho vay lĩnh vực xanh với dư nợ gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trụ sở Vietcombank tại Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh và bền vững thông qua cơ chế huy động, cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính Thủ tướng cho biết với doanh nghiệp chuyển đổi xanh hay thay đổi công nghệ, nguồn tài chính rất quan trọng. Vì vậy, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng sẽ góp phần đáng kể tạo sự thay đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, ngành ngân hàng có trách nhiệm làm "xanh hóa" dòng vốn đầu tư để đạt mục tiêu phát triển bền vững, gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), trong đó đầu mối quan trọng là Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng xanh là hình thức cấp vốn của các tổ chức tài chính nhằm thúc đẩy các dự án và hoạt động thân thiện với môi trường, giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cụ thể, các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ cấp khoản vay với mục tiêu tài trợ cho những dự án năng lượng sạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hình thức cấp tín dụng xanh bao gồm: Khoản vay xanh, trái phiếu xanh, tín dụng ưu đãi môi trường, chương trình cho vay tái chế, quỹ đầu tư xanh.

Nhằm cụ thể hoá các chính sách từ Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng…

Vietcombank ký kết hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt, nội dung của Chỉ thị số 03/CT-NHNN nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh, nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của ngân hàng; khuyến khích nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hằng quý, các tổ chức tín dụng phải báo cáo kết quả triển khai tăng trưởng tín dụng xanh.

Tiếp đó, ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 01/6/2023).

Ngoài ra, giai đoạn 2018-2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Đây được xem là cẩm nang giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường - xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các tổ chức tín dụng.

Với những nỗ lực không ngừng để điều tiết dòng vốn, dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực xanh tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực này của hệ thống tăng trưởng bình quân hơn 22% một năm.

Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng - trong đó có Vietcombank - cho vay lĩnh vực xanh với dư nợ gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi, dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội tăng trưởng đều qua các năm, hiện khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Với đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án “xanh” như Vietcombank, Agribank, Sacombank, VPBank, ACB…

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế. Dự kiến, dòng vốn tín dụng xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới nhờ sự thúc đẩy từ các chỉ thị của Nhà nước và sự hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế. Các chuyên gia dự đoán rằng với xu hướng này, tín dụng xanh sẽ tiếp tục tăng mạnh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng cơ cấu tín dụng quốc gia, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững của đất nước./.

Bài 3: Dấu ấn xanh đặc biệt của “sếu đầu đàn" ngành tín dụng Việt Nam

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục