Bài 2: Bí quyết đưa “cá chép hóa rồng” của trường làng

Phân lớp theo năng lực học sinh, có chương trình đào tạo riêng cho từng nhóm đối tượng, bồi dưỡng nhân tố đặc biệt và chú trọng làm đề thi thử là những bí quyết của trường làng Quảng Xương 1.
Bài 2: Bí quyết đưa “cá chép hóa rồng” của trường làng ảnh 1Với mỗi điểm từ 8 trở lên, học sinh sẽ được đổi một vé số để tham gia trò chơi quay số trúng thưởng của trường. Đây là một trong những cách để Trường THPT Quảng Xương 1 khích lệ học sinh. Trong ảnh, em Lê Thị Hoài Thu vui mừng khi trúng giải nhất. (Ảnh: quangxuong1.edu)

Phân lớp theo năng lực học sinh, có chương trình đào tạo riêng cho từng nhóm đối tượng, tích cực phát hiện và bồi dưỡng nhân tố đặc biệt và chú trọng làm đề thi thử là những bí quyết để giúp học sinh đạt kết quả thi cao của Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Phân lớp học sinh theo năng lực

Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 cho biết, ngay từ khi tuyển sinh khối 10, dựa vào điểm thi đầu vào của các em, trường đã phân lớp theo lực học. Việc phân lớp theo năng lực học sinh giúp nhà trường và các thầy cô giáo chủ động hơn trong kế hoạch giảng dạy. Mỗi lớp có điểm đầu vào khác nhau với năng lực học sinh khác nhau sẽ có chương trình dạy khác phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Điều đó giúp thầy cô giảng bài thuận lợi hơn, học sinh cũng học tập hiệu quả hơn.

Sau mỗi năm học, tùy vào kết quả học tập của học sinh, nhà trường có thể có điều chỉnh để các em có môi trường học tập phù hợp nhất với mình.

Trong quá trình học, trường phát phiếu điều tra xem học sinh định hướng theo học khối gì, ngành học nào, trường đại học nào, dự kiến phấn đấu mức điểm thi đạt bao nhiêu. Căn cứ vào phiếu này và đánh giá năng lực thực của học sinh trên lớp, thầy cô giáo sẽ có hướng để hỗ trợ các em tốt nhất.

[Bí quyết giành huy chương vàng Olympic Vật lý của chàng trai xứ Thanh]

Mỗi năm học sinh sẽ được đăng ký lại một lần. Việc đăng ký là tự nguyện trên cơ sở các em tự xác định lực học cũng như mơ ước của mình. Nhiều học sinh đã tự đặt điểm số cao như một mục tiêu để mình phấn đấu và vì thế nỗ lực học tập tốt hơn.

“Trường hợp em nào đặt mục tiêu quá cao, giáo viên nhận thấy vượt quá năng lực thực sự của các em thì chúng tôi sẽ khuyên cân nhắc kỹ hơn để phù hợp với khả năng của mình. Vì thế, học sinh nhận thức rất rõ ràng về mục tiêu hướng đến và tự xác định kế hoạch, chiến lược để đạt tới mục tiêu đó,” thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Đỗ Thế Minh, Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, việc hỗ trợ học sinh ở đây thậm chí còn được cá nhân hóa đến từng em. Trong lớp, giáo viên phải nắm rõ và phát hiện được những em có tố chất bộ môn để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với năng lực của các em. Đây là một trong những điểm rất được trường Quảng Xương 1 chú trọng để phát hiện các nhân tố nổi trội.

Bài 2: Bí quyết đưa “cá chép hóa rồng” của trường làng ảnh 2Các thầy cô giáo và học sinh trường THPT Quảng Xương 1 cùng tham gia chương trình Xuân yêu thương để hỗ trợ các bạn khó khăn trong và ngoài trường. (Ảnh: PV)

Bốn nhóm ôn cấp tốc

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Văn Dỵ, điểm khác biệt nhất ở Trường Trung học phổ thông Quảng Xương một là phương thức tổ chức ôn thi cho học sinh sau khi kết thúc chương trình lớp 12.

“Thông lệ, các trường sẽ tổ chức theo hướng dẫn của Bộ và Sở, nhưng chúng tôi có cách làm riêng rất hiệu quả. Đó là sau khi kết thúc chương trình học chính khóa lớp 12, chúng tôi tổ chức cho tất cả học sinh đăng ký nguyện vọng để học ôn tập từ ngày 25/5. Tất cả học sinh lớp 12 em nào có nhu cầu thì đăng ký, sau đó chúng tôi phân bốn nhóm đối tượng với bốn nhóm lớp để ôn tập chứ không xếp theo lớp thông thường như khi còn trong năm học,” thầy Dỵ cho biết.

Cụ thể, nhóm một là những học sinh phấn đấu đạt từ 27 điểm trở lên trên 3 môn thi xét tuyển đại học. Trong lớp 27 điểm này, trường lại phân theo từng nhóm nhỏ theo từng nấc điểm.

[Bài 1: Đầu vào ‘lẹt đẹt’, đầu ra thủ khoa]

Thầy Đỗ Thế Minh, Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, người trực tiếp dạy lớp học sinh 27 điểm, cho biết, trong giai đoạn ôn cấp tốc, thầy cô sẽ kèm từng em. Dù lên lớp chung nhưng bài tập lại được giao theo từng đối tượng. “Ở nhóm này, chúng tôi có đặc biệt chú trọng bồi dưỡng các em có khả năng đạt điểm thủ khoa. Năm nay, nhóm bồi dưỡng thủ khoa có 3 em, và kết quả là có hai em đạt trên 27 điểm, một em đã đạt thủ khoa của Thanh Hóa,” thầy Minh cho biết.

Nhóm lớp thứ hai là lớp ôn tập cho các em đậu đại học tốp trên.

Nhóm lớp thứ ba là ôn cho các em có nguyện vọng đỗ các trường đại học còn lại.

Nhóm lớp thứ 4 là ôn cho các em chỉ học để xét tốt nghiệp.

Theo thầy Minh, việc tách riêng học sinh thành các nhóm nhỏ cùng năng lực, cùng mục tiêu thi đạt bao nhiêu điểm sẽ giúp giáo viên có các loại bài tập và đề ôn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, phát triển được tốt nhất tố chất của các em.

Bài 2: Bí quyết đưa “cá chép hóa rồng” của trường làng ảnh 3Thầy hiệu trưởng Lê Văn Dỵ. (Ảnh: PV)

Chia sẻ về việc phân nhóm đối tượng học sinh, thầy Lê Văn Dỵ cho hay điều này đã được trường thực hiện từ lớp 10 nên rất thuận lợi.

“Chúng tôi gọi là đây là giai đoạn cấp tốc. Mỗi tổ bộ môn có chương tình riêng cho từng đối tượng học sinh, không phải dạy như chương trình chung. Trong giai đoạn này, chúng tôi chỉ cử những giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm giảng dạy, có giáo viên chúng tôi không cử tham gia vì năng lực còn hạn chế. Cách làm này chúng tôi đã áp dụng được hai năm và thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt,” thầy Dỵ nói.

Hiệu quả không chỉ là nhận định của thầy hiệu trưởng, không chỉ thể hiện ngay ở những điểm số, đó là cảm nhận thực sự của các học sinh và phụ huynh.

Theo em Đặng Thị Thương, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, việc phân loại lớp ôn tập theo lực học đã giúp em có môi trường tốt để phát huy hết năng lực của mình.

“Nếu xếp lớp đại trà, lẫn lộn, thì khi thầy giảng bài dễ hoặc giảng chậm cho các bạn học trung bình có thể tiếp thu được thì lại là lãng phí thời gian của những bạn học khá giỏi. Nhưng nếu thầy giảng các bài khó, giảng nhanh thì các bạn học kém hơn lại không hiểu. Vì thế, em thấy may mắn khi mình được học ở đây, nơi mà mỗi lớp học đều được phân theo trình độ để thầy cô giảng bài thuận lợi hơn, chúng em học được nhiều nhất có thể những kiến thức mới phù hợp với khả năng của mình,” Thương chia sẻ.

Có phương pháp ôn tập sáng tạo, hiệu quả, nhưng theo thầy Dỵ, vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng đào tạo nằm ở đội ngũ giáo viên của trường. Vì thế, xây dựng đội ngũ là vấn đề được trường đặc biệt chú trọng.

“Vấn đề là xây dựng đội ngũ thế nào? Xưa nay chúng ta cứ hô hào phải đi đào tạo này kia, chúng ta chú trọng việc soạn giáo án, dự giờ, thao giảng… nhưng đó chưa phải là cái thiết thực nhất,” thầy Dỵ nói.

Bài 3: Tuyệt chiêu để có đội ngũ tốt

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục