Bài 2: Bị dừng hoạt động, công ty khoáng sản vẫn "thản nhiên" nhả khói

Chưa hoàn thiện việc kiểm soát chất lượng môi trường, gây ô nhiễm phải tạm dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn thản nhiên khai thác mỏ, nhả khói gây ô nhiễm tại tỉnh Cao Bằng.
Những đống quặng măng gan tại Nhà máy Feromangan. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chưa hoàn thiện việc kiểm soát chất lượng môi trường, còn nợ đọng thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng doanh nghiệp vẫn thản nhiên khai thác tài nguyên. Thậm chí, có doanh nghiệp gây ô nhiễm phải tạm dừng hoạt động để khắc phục nhưng vẫn nhả khói “đầu độc” môi trường…

Đó là những “lỗ hổng” về công tác quản lý, hoặc có sự “nhập nhèm” của cơ quan chức năng trong việc giám sát hoạt động khai thác mỏ và các vấn đề liên quan đến xả thải gây ô nhiễm đang xảy ra tại tỉnh Cao Bằng, khiến dư luận bức xúc.

Ma trận quản lý

Theo lời giới thiệu từ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi tìm đến mỏ đá vật liệu xây dựng Thua Phia thuộc Công ty khoáng sản và thương mại Thành Phát (xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng) để tìm hiểu về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được đánh giá là hoạt động hiệu quả.

Khi có mặt tại khu vực mỏ đá và liên lạc với giám đốc Công ty khoáng sản và thương mại Thành Phát, ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời: “Công ty đã đóng cửa mỏ, dừng khai thác nửa năm rồi, nay ở mỏ chỉ còn mấy người bảo vệ trông nom máy móc thôi."

Người phụ nữ tự xưng tên Trang, là Giám đốc Công ty khoáng sản và thương mại Thành Phát, cũng thẳng thắn chia sẻ: “Đá ở mỏ rất nhiều nhưng từ giữa năm 2016 đến nay giá thấp, không bán được vì không có người mua, đói quá nên tôi chuyển nghề rồi.”

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus tại mỏ đá vật liệu xây dựng Thua Phia cho thấy, khu vực khai thác đá còn lại những đống đá ngổn ngang với giàn khai thác cũ kỹ. Một không gian vắng, ảm đảm giữa khu rừng vắng lạnh.

Tiếp tục tìm hiểu mỏ mănggan Tốc Tát của Công ty cổ phần măng gan Cao Bằng (tại xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh), chúng tôi được bà Chu Thúy Oanh, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Cao Bằng cho biết: Công ty cổ phần mănggan Cao Bằng còn nợ đọng thuế phí hơn 10 tỷ đồng, chưa kể tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, mỏ mănggan Tốc Tát được Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cấp phép khai thác trong thời gian 30 năm (từ 2009-2039) với trữ lượng dự báo hơn 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, quá trình khai thác cầm chừng, việc kiểm soát chất lượng môi trường còn gặp khó khăn.

Gần đây, sau gần nửa năm dừng hoạt động, đến cuối tháng 6/2016, mỏ mănggan Tốc Tát bất ngờ quay lại khai thác tại 4 cửa lò. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần mănggan Cao Bằng chưa thực hiện được việc quan trắc môi trường.

Trong buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng cũng thừa nhận “biết" chuyện doanh nghiệp mănggan chưa thực hiện quan trắc môi trường, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng đã quay lại hoạt động nửa năm. Vậy nhưng, sở vẫn chưa có động thái xử lý.

Hay như hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của Nhà máy Feromangan thuộc Công ty cổ phần khoáng sản NIKKO Việt Nam tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Sau khi nhận được phản ánh từ cuối năm 2016, đoàn liên ngành huyện Trà Lĩnh đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu Nhà máy tạm dừng hoạt động, song trên thực tế nhà máy vẫn sản xuất, nhả khói ra môi trường.

Theo biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Trà Lĩnh được thực hiện vào ngày 9/1/2017, Công ty cổ phần khoáng sản NIKKO chưa có báo cáo tình hình quản lý chất thải nguy hại, trong quá trình luyện măng gan không bật hệ thống xử lý khí bụi, hệ thống thoát nước mặt của nhà máy đã hư hỏng…

Trước thực tế nêu trên, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu Công ty cổ phần khoáng sản NIKKO tạm ngừng hoạt động khắc phục các hạng mục, và hoàn thiện báo cáo môi trường.

Tuy nhiên, những ngày giữa tháng 1/2017, hoạt động sản xuất của Nhà máy Feromangan vẫn diễn ra bình thường, bất chấp việc đã có nhiều ý kiến phản ánh từ người dân về việc nhà máy này thường xuyên “nhả” khói đen phủ kín cả vùng trời, bốc mùi hắc khó chịu.

Chị Lục Thị Cúc, một người dân ở thôn Lũng Sập, xã Quốc Toản bức xúc kể: “Nhà máy gây ô nhiễm từ lâu rồi. Mỗi khi họ đốt khói bay mù mịt, mùi hắc khó thở, đóng kín cửa cũng nghe mùi. Bà con ở đây bức xúc lắm, nhưng không biết kêu ai?.”

Con đường vào Nhà máy Feromangan nhão nhét bùn, quặng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)


“Dân kêu mặc kệ dân!”

Nhìn nhận từ góc độ đơn vị giám sát môi trường, ông Lưu Văn Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Lĩnh khẳng định, việc Nhà máy Feromangan chạy lò hoạt động khi chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và nhả khí bụi gây ô nhiễm là có thực.

“Mới đây, ngay sau khi cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Lĩnh cũng đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý,” ông Hoàn nói.

Trong khi đó, bà Đặng Bích Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản NIKKO lại thẳng thừng: “Khói bụi của nhà máy thì không thể tránh khỏi được vì chúng tôi mua lại công nghệ cũ của doanh nghiệp trước. Hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện công nghệ, gần Tết không làm thì lấy đâu lương trả công nhân.”

Thậm chí, vị giám đốc này còn thản nhiên buông lời: “Về vấn đề khói bụi, kể cả khi cơ quan môi trường vào tôi cũng nói không thể tránh khỏi. Còn người dân kêu thì kệ dân vì tôi cũng không biết được họ kêu thế nào.”

Trước thực tế quản lý nêu trên, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ làm việc với ông Thái Hồng Thịnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng. Ông Thịnh khẳng định đã nắm được thông tin báo cáo từ đoàn kiểm tra và yêu cầu Nhà máy Feromangan tuân thủ quy định trước khi đi vào hoạt động.

“Tới đây, nếu Nhà máy Feromangan chạy lò xả khí bụi ra môi trường gây ô nhiễm, tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu đình chỉ dừng hoạt động. Tuy nhiên, khi thông tin mình đi kiểm tra đột xuất thì họ không làm, đến lúc mình đến họ lại đóng hệ thống, đó cũng là cái khó,” ông Thịnh giải thích.

Vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng cũng khẳng định: “Mỗi năm sở này cố gắng cũng chỉ thanh tra mỗi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được một lần. Còn lại là chủ yếu là do doanh nghiệp báo cáo và thông tin phản ánh từ báo chí.”

Riêng về việc cấp quyền khai thác khoáng sản, theo ông Thịnh, đây là một lĩnh vực mới thực hiện, theo đó doanh nghiệp muốn khai thác mỏ thì phải tính nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ngay từ đầu nên còn gặp một số khó khăn, nhất là khoáng sản vật liệu xây dựng như đá.

“Còn theo quy định, nếu không đủ khả năng nộp thì coi như đóng cửa mỏ và thu hồi giấy phép. Để giải quyết theo thủ tục đó, theo tôi quy định pháp luật thì làm được, còn để vận dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì không nên làm, không nên bắt người ta đóng cửa mỏ và dừng khai thác,” ông Thịnh nói./.

Bài 3: Nợ đọng thuế phí: “Cứ bắt bỏ tù, doanh nghiệp có dám không?"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục