Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới ở trong nước, trước hết là hoàn thiện thể chế, do hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, đã chưa gắn kết với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Đánh giá về những kết quả đạt được từ tiến trình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳn thắn chỉ ra, những đổi mới trong nước chưa bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các doanh nghiệp còn thấp, do năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế.
[Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác khởi nghiệp tại Việt Nam]
Cụ thể, các xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam, mặc dù năm 2017 đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa nằm trong nhóm ASEAN-4.
Mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ những “ách tắc” trong mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, từ bộ ngành đến các cấp địa phương.
Hội nhập sâu
Sau 30 năm “Đổi mới”, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao thế vị thế quốc gia.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương, giai đoạn 1997-2017, nền kinh tế tăng trưởng liên tục với GDP tăng gấp 8 lần. Cụ thể, GDP từ 27 tỷ USD (năm 1997) lên gần trên 220 tỷ USD (ước tính năm 2017) và kế hoạch phấn đấu đạt 300 tỷ USD (năm 2020).
Dấu ấn “mạnh mẽ” xác định giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam là việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và sau đó là hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do từ song phương, đa phương đến Hiệp định tiêu chuẩn cao thế hệ mới.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, 58 nền kinh tế đã và đang đàm phán các FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Bức tranh tổng thể về các Hiệp định thương mại tự do cho thấy mức độ hội nhập sâu sắc của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Năm 2018 được ghi dấu là thời điểm “bước ngoặt” trong các lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế đối với 98% biểu thuế (trừ mặt hàng xăng dầu đến năm 2024 thuế suất mới giảm xuống 0%). Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Việt Nam cũng hết thời hạn chuyển đổi và phải thực hiện cắt giảm thuế với các mặt hàng danh mục “nhạy cảm”.
Bởi vậy, vị Thứ trưởng này cho rằng, “bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, công tác điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng.”
Chưa bắt kịp hội nhập
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế nhìn nhận, trên 90% các doanh Việt Nam là vừa và nhỏ, bộc lộ các điểm yếu về tư duy chiến lược, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh đó, ông đặc biệt lưu ý, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai công tác hội nhập còn thể hiện bất cập, phần nào làm giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách và chương trình hành động.
Phó Thủ tướng nhắc nhở, “trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Một mặt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ của các công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số... chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội và thách thức.
“Vấn đề đặt ra. các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải làm gì, phải phối hợp như thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn tới,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đón nhận và tận dụng hiệu quả những lợi ích từ các Hiệp định thương mại, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, chỉ khi có chuẩn bị phù hợp về môi trường kinh doanh và chính sách, Việt Nam mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đầy tiềm năng.
“Trái lại, nếu thiếu sự phối hợp và chuẩn bị từ các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, không những cơ hội bỏ lỡ mà Việt Nam còn phải chịu thua thiệt trên chính sân nhà khi mở cửa thị trường theo các cam kết,” ông Hải nói.
Vị thứ trưởng này phân tích, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do là chấp nhận “cuộc chơi” sòng phẳng với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn. Thông thường với tư cách nước đang phát triển, ưu đãi duy nhất Việt Nam được hưởng là thời gian ân hạn (5 năm – 10 năm) tuỳ theo mặt hàng.
“Đây là cơ hội duy nhất để Việt Nam tận dụng cải cách nâng cao năng lực. Sau thời gian đó tất cả sẽ cùng chơi trên một bằng chung, mà các đối thủ không chỉ cao hơn về đẳng cấp còn cả thể lực,” ông ví von.
Nhìn nhận về hội nhập phiếm diện và ngắn hạn?
Chỉ ra những nguyên nhân khiến sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, theo Thứ trưởng của Bộ Công thương là cách nhìn nhận về hội nhập kinh tế quốc tế còn phiến diện, ngắn hạn và cục bộ.
Theo ông Hải, Việt Nam đã thực hiện khá thành công các công tác đàm phán, xác lập các khuôn khổ pháp lý để phát triển quan hệ thương mại với các đối tác. Nhưng việc quán triệt các cam kết tới các nhóm lợi ích liên quan, chuẩn bị các cơ chế hỗ trợ và giám sát thực thi còn chưa hiệu quả, khiến các lợi ích có thể có được từ các FTA bị suy giảm.
Về thể chế, ông Hải kiến nghị Việt Nam cần hoàn thiện các nội dung quy định cách thức thực thi các hệ thống quy tắc, chuẩn mực và có cơ chế thực thi, giám sát và xử lý vi phạm.
Về tổ chức, để tăng cường hiệu quả công tác điều phối hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương được giao thực hiện chức năng cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.
“Tuy nhiên với quy mô và chiều sâu cũng như tính đa dạng của hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, hoạt động của Ban chỉ đạo đã gặp nhiều khó khăn, do hạn chế nguồn lực, thẩm quyền và từ cả nhận thức của chính các chủ thể liên quan hội nhập kinh tế quốc tế,” ông Hải cho biết./.
Bài 3: Doanh nghiệp Việt ‘loay hoay’ trong thế giới biến đổi