10 năm Cuộc vận động: Khơi dậy niềm tự hào ‘Made in Vietnam’

Bài 2: 10 năm Cuộc vận động: Khơi dậy niềm tự hào ‘Made in Vietnam'

Thành quả đạt được sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hết sức to lớn, không chỉ tại các chợ truyền thống mà nhiều siêu thị, hàng Việt đang chiếm áp đảo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại lễ tổng kết 10 năm Chương trình Tự hào hàng Việt do Bộ Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bắt đầu từ một chủ trương được đánh giá là kịp thời, đúng đắn của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực đến bối cảnh phát triển kinh tế xã hội nước ta.

Đáng chú ý, Cuộc vận động đã tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ từ ý thức của người tiêu dùng đến nội lực của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ rất cao trong kênh bán lẻ hiện đại và cả chợ truyền thống. Thậm chí tại nhiều siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng đang chiếm số lượng áp đảo.

Những kết quả này sẽ không thể đạt được nếu sản phẩm “Made in Vietnam” không thật sự cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng.

[Các ‘ông lớn’ FDI tiếp tục rót vốn vào ngành bán lẻ của Việt Nam]

Sức lan tỏa từ Cuộc vận động

“Nếu cách đây 10 năm không có Cuộc vận động thì tôi cũng không biết hàng Việt sẽ trôi về đâu,” đó là chia sẻ thẳng thắn của ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị tư nhân Tứ Sơn tại An Giang khi nói về hành trình đưa hàng Việt về với vùng quê.

Nhiều năm trước, An Giang và nhiều địa phương khác ở vùng biên giới Tây Nam được coi là thủ phủ hàng ngoại. Theo ông Sơn, khi Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai một cách sâu rộng đã tạo ra một sự thay đổi lớn, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về hàng Việt cũng đã thay đổi.

Với 35 năm lăn lộn trên thương trường, ông Sơn nói, “nếu như trước đây khi chưa có Cuộc vận động tôi chắc chắn sẽ chọn hàng ngoại để kinh doanh vì điều này phù hợp với xu hướng, song từ khi có Cuộc vận động và nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt ngày càng nâng cao thì đứng ở góc độ nhà bán lẻ tôi phải chọn hàng Việt.”

Điều này là một thực tế và minh chứng rõ rệt nhất là sự lớn mạnh của hệ thống phân phối hàng Việt tại thị trường nội địa cũng như sự chuyển đổi và nâng chất từ chính các sản phẩm của doanh nghiệp.

“Tôi phải đi theo xu hướng của người tiêu dùng chứ không thể đi theo hướng tính toán mang tính chất của riêng cá nhân mình,” ông chủ siêu thị Tứ Sơn chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chia sẻ, tuy rất khó khăn, song Vinatex vẫn nhìn thấy nhiều thuận lợi khách quan khi doanh nghiệp muốn đưa hàng Việt tiếp cận thị trường nội địa. Trong đó, thuận lợi căn bản chính là sức ảnh hưởng tích cực của Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo ông, Cuộc vận động đã tạo ra không khí hết sức tích cực, giúp người tiêu dùng ưu tiên tìm kiếm, mua sắm hàng hóa Việt. Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, hệ thống phân phối trong nước với hàng loạt siêu thị thương mại phát triển rất nhanh chóng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của cả nước đồng đều và ở mức cao, thu nhập trung bình trong nhân dân đã khá lên làm tăng sức cầu.

Và để giải quyết bài toán phát triển hàng Việt tại thị trường nội địa, ông Trường cho biết, trong 10 năm qua, Vinatex đã tập trung tăng cường thiết kế và đưa ra những mẫu mã phù hợp với người Việt mà trọng tâm là số đo, tầm vóc cũng như thị hiếu của người Việt. Trong đó, các doanh nghiệp đã liên kết, phối hợp với nhau để mỗi đơn vị sản xuất một chủng loại mặt hàng, tránh tình trạng sản xuất tràn lan gây khó khăn về quy mô tiêu thụ.

“Doanh nghiệp đã có cách tiếp cận chuyên sâu hơn cho các thị trường ngách và giải quyết được tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa liên tục trong 10 năm là trên 10%. Hàng dệt may Việt Nam tại các trung tâm mua sắm, các đô thị lớn luôn chiếm thị phần trên 70% và nếu tính thị phần trong khu vực hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm dệt may đã chiếm xấp xỉ 100%,” ông Trường cho biết.

10 năm Tự hào hàng Việt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng Việt đã ‘phủ sóng’

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, đơn cử như: Co.opmart đạt từ 90%-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...

Trong khi đó, theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)...

“Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng được thị phần, nhất là các kênh bán lẻ hiện đại, trong đó, Saigon Co.opmart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm; Vingroup đã mở được khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng Vinmart+...).

[Sức lan tỏa và hành trình vững bước của ‘Tự hào hàng Việt’]

Với sức lan tỏa mạnh mẽ này, ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ như ông chủ của siêu thị Tứ Sơn cũng đánh giá, nếu không biết nhìn nhận đúng “xu thế” tức là đón bắt kịp các thời cơ của thị trường thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị đào thải.

“Với một hệ thống chính trị cùng với ý thức của người tiêu dùng là ưu tiên cho sự chọn lựa, dùng hàng Việt nhiều hơn dĩ nhiên tôi phải có một sự chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nếu không làm như vậy chắc chắn sẽ lạc lõng, chính điều đó đã đem đến cho doanh nghiệp sự phát triển rất tuyệt vời,” ông Tạ Minh Sơn vui vẻ nói khi nhớ lại chặng đường 10 năm đồng hành với chương trình hàng Việt.

- Tỷ lệ hàng Việt tại một số siêu thị:

Có thể thấy, những thành quả đạt được sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hết sức to lớn.

Theo như đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn của Đảng được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân…

Bên cạnh đó, Cuộc vận động đã góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Dù vậy, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, để cuộc vận động phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần đổi mới và đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, bởi theo ông, để người tiêu dùng ưu tiên chọn mua, thì đầu tiên hàng hóa đó phải có chất lượng. Với mục tiêu đó, cùng với các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng.

Trong khi đó, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho hay, cùng với chất lượng sản phẩm bảo đảm, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng khu vực nông thôn là giá cả hợp lý. Đặc biệt, sự minh bạch là yếu tố cốt yếu bởi hầu hết người tiêu dùng sẵn sàng mua những sản phẩm do nhà bán lẻ tư vấn.

“Chìa khóa để chiến thắng ở thị trường nông thôn còn bao gồm độ phủ sóng của truyền thông, quảng bá, đặc biệt là quảng cáo trên truyền hình. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải quan tâm các yếu tố như chi phí thiết lập, làm tốt dịch vụ hậu mãi… để giữ uy tín, xây dựng thương hiệu," bà Đặng Thúy Hà khuyến nghị./.

- Đại diện Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nói về 10 năm hàng Việt:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục