Để phát triển đô thị, con người phải phá rừng, lấn biển. Nhịp sống hiện đại đôi khi chèn ép không gian di tích, lấn át những thanh âm cổ truyền của dân tộc. Làm thế nào để phát triển kinh tế mà không xói mòn di sản luôn là bài toán nan giải.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc sử dụng văn hóa để phát triển Kinh tế Xanh có thể đem lại nhiều lợi ích, bao gồm việc thúc đẩy bền vững, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Khi kinh tế và văn hóa bị đặt lên bàn cân
- Thưa Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, quá trình phát triển kinh tế đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến di sản văn hóa như báo chí và dư luận đã phản ánh. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến hiện tượng này liên tiếp xảy ra mặc dù Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo vệ văn hóa trong phát triển bền vững?
Ông Bùi Hoài Sơn: Quá trình phát triển luôn tồn tại một mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và đổi mới mà không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể có giải pháp đạt được cả hai mục đích: Vừa bảo tồn tốt di sản văn hóa, vừa phát triển tốt kinh tế, dù đó là điều chúng ta mong muốn và hướng tới. Vì thế, nhiều khi chúng ta vẫn phải chấp nhận “tạm” ưu tiên một trong hai mục đích.
Kinh tế là vấn đề rất quan trọng. Trong khi mối lo cơm, áo, gạo, tiền còn đang cấp bách thì khó có thể dành tâm tư chăm lo cho di tích, di sản.
Tình trạng này xảy ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tôi được biết rằng vào những năm 1980, một số người dân Trung Quốc đã bán đi những món đồ cổ của mình với giá vài trăm USD. Giờ đây, khi khá giả, họ phải bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD để mua lại những món đồ đó.
Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào?
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với Việt Nam khi rất nhiều cổ vật bị bán ra nước ngoài và chúng ta đang cố gắng hồi hương những cổ vật này.
Hiện nay, Việt Nam ở trong giai đoạn mới, nhu cầu phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Di sản một khi đã mất đi, đã bị làm biến dạng thì không thể mua lại được. Bảo vệ di sản được xem như trách nhiệm đạo đức của xã hội đối với tài sản cha ông đã để lại. Hơn thế, nếu chúng ta biết cách sử dụng, phát huy giá trị di sản, các tài sản quý giá này có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, lan tỏa tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
- Theo ông, các cam kết quốc tế sẽ giúp đỡ Việt Nam bảo vệ di sản trong quá trình phát triển Kinh tế Xanh như thế nào?
Ông Bùi Hoài Sơn: Tham gia phát triển Kinh tế Xanh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và lĩnh vực văn hóa phải góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương này.
Theo tôi, việc tham gia các cam kết quốc tế, hợp tác quốc tế và gia nhập Mạng lưới Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO có thể giúp chúng ta học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các thành phố sáng tạo, địa danh di sản khác trên thế giới để chúng ta cải thiện hiệu quả quản lý, phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; tạo cơ hội cho hợp tác và đầu tư từ các tổ chức quốc tế, hỗ trợ các dự án và sáng kiến Kinh tế Xanh trong nước; giúp phát triển Du lịch Xanh và bền vững, bảo tồn cảnh quan tự nhiên và văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế.
Các cam kết quốc tế cũng giúp chúng ta nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn di sản và phát triển bền vững từ đó tạo điều kiện để các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp hành động để bảo vệ và tôn vinh giá trị này.
Coi văn hóa là ‘tài nguyên’ để phát triển Kinh tế Xanh
- Ông có thể nêu ra một số giải pháp để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản văn hóa?
Ông Bùi Hoài Sơn: Điều quan trọng là chúng ta phải phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Muốn làm như vậy, chúng ta cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên là nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, vai trò của di sản trong sự phát triển của địa phương và đất nước. Bảo vệ di sản cần được coi là bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa, tạo sự tự tin và niềm tự hào cho đất nước; đầu tư cho di sản là đầu tư cho phát triển. Khi chúng ta có nhận thức tốt, chúng ta sẽ có hành động phù hợp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản.
Thứ hai là hoàn thiện hàng lang pháp lý để bảo vệ di sản. Điều đáng mừng là chúng ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Điều này cho thấy nhận thức của chúng ta về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tốt hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, bên cạnh Luật Di sản Văn hóa, chúng ta cần điều chỉnh rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác như về thuế, đất đai, hợp tác công-tư, chính sách cho nghệ nhân, công nghiệp văn hóa... để tạo thuận lợi hơn cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản đồng thời giúp di sản đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế.
Tăng cường nguồn lực cho quản lý di sản cũng là một giải pháp căn cơ. Ở đó, chúng ta cần có thêm nguồn lực tài chính thông qua các chương trình đầu tư như Chương trình Mục tiêu quốc gia về Văn hóa, đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực con người có chuyên môn, kỹ năng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kỹ năng kinh doanh và khả năng công nghệ.
Tiếp theo, chúng ta cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn, xây dựng các sự kiện tôn vinh di sản, khai thác chất liệu di sản cho các loại hình nghệ thuật qua phim ảnh, âm nhạc, thời trang,... để làm cho các di sản trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt hướng tới người trẻ, để họ quan tâm nhiều hơn đến di sản.
Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu cho các di sản cả ở quy mô quốc tế và trong nước để người dân, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn đến di sản, lan tỏa kinh nghiệm quản lý di sản để các địa phương có thể liên kết với nhau thành mạng lưới, học hỏi lẫn nhau.
- Vậy, làm thế nào để văn hóa trở thành “tài nguyên” để phát triển Kinh tế Xanh, thưa ông?
Ông Bùi Hoài Sơn: Từ mô hình sản phẩm OCOP, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp bản sắc văn hóa của một địa phương hoặc cộng đồng vào mô hình kinh doanh như sản xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ văn hóa hoặc sử dụng cách tiếp cận độc đáo dựa trên văn hóa để tạo bản sắc cho sản phẩm, giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế tiếp cận thị trường.
Chúng ta cũng có thể tận dụng các tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương để phát triển sản phẩm và dịch vụ xanh như sử dụng tri thức địa phương về nguyên liệu thảo mộc truyền thống để sản xuất sản phẩm hữu cơ hoặc sử dụng các tri thức địa phương, tộc người để bảo vệ môi trường.
Du lịch có thể được phát triển dựa trên văn hóa địa phương, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường, tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào ngành du lịch và tạo thu nhập.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể ứng dụng nghệ thuật và sáng tạo để thúc đẩy kinh tế xanh. Sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm thủ công truyền thống giúp cải thiện thu nhập và tạo ra cơ hội cho người làm nghề thủ công như trường hợp Vụn Art ở Hà Nội đã sử dụng vải thừa để tạo ra các sản phẩm lưu niệm.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường chẳng hạn như hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ cảm biến để giám sát và quản lý tài nguyên tự nhiên như rừng, đất đai, và nguồn nước, giúp bảo tồn các không gian văn hóa của các cộng đồng.
Chúng ta cũng có thể sử dụng Công nghệ Số để lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa, giúp tạo điều kiện thuận lợi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.