“Kim chỉ nam” để “những người gác cổng y tế” dựng xây một Việt Nam khỏe mạnh

Bài 1: Y tế cơ sở căng mình trong cơn “đại hồng thủy” khắp miền Bắc

Sau đại dịch COVID-19 và “thảm họa” do lũ lụt xảy ra vừa qua, chúng ta càng thấy được vai trò của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong phòng chống dịch.

Lời mở đầu

Chăm sóc sức khỏe là quyền của con người. Mọi người ở mọi vùng miền đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng mà không gặp phải khó khăn về tài chính. Mỗi quốc gia, căn cứ vào bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa của mình sẽ cần phải xác định phương thức hiệu quả nhất để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đảng và Nhà nước ta xác định nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là không để ai lại phía sau.

Sau đại dịch COVID-19 và “thảm họa” do lũ lụt xảy ra vừa qua, chúng ta càng thấy được vai trò của y tế cơ sở và y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong phòng chống dịch.

Trải qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Thông báo kết luận số 126-TB/TW của Ban Bí thư khóa XI về 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, hoạt động của y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng. Mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp cả nước, được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở chưa hoàn thiện, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Có địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức việc củng cố, tăng cường năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Để tạo bước đột phá, phát huy được vai trò người gác cổng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, tháng 10/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho y tế cơ sở phát huy được vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Chỉ thị xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với công tác y tế cơ sở; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

Đặc biệt, Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp mới cần thực hiện, đó là kiện toàn mô hình tổ chức, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với y tế cơ sở; tăng đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật…

Trung ương, Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt cho ngành y tế. Trong năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Bám sát những nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã đi thực địa công tác y tế cơ sở tại 3 miền của đất nước để thấy được những sự đổi thay của y tế cơ sở. Những “tấm áo mới” của y tế cơ sở đã được thay đổi toàn diện: Từ diện mạo, nguồn nhân lực tới trang thiết bị y tế, từ đó tạo được lòng tin với người dân. Từ những mô hình, cách làm hay đó sẽ tạo nên một y tế cơ sở thay đổi rộng khắp trên cả nước để kiến tạo một hệ xương sống y tế vững chắc, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam khỏe mạnh.

Nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã làm thủ tục cho người dân đến khám. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bài 1:

Y tế cơ sở căng mình trong cơn “đại hồng thủy” khắp miền Bắc

Những ngày đầu tháng 9, khắp nơi tại các tỉnh phía Bắc trải qua một “cơn đại hồng thuỷ” sau siêu bão Yagi. Nước lũ dâng khắp nơi, những ngôi nhà ngập tới tận nóc. Tại các bản làng ở xã miền núi, đất đá hòa vào nhau bất ngờ theo dòng nước lũ tràn từ ngọn núi, ầm ầm đổ xuống các khu dân cư trong làng. Nhiều người dân bị lũ cuốn theo dòng nước mất mạng, cũng có người bị lấp dưới bùn đất may mắn sống sót những bị chấn thương…

Ở nhiều địa phương, trạm y tế xã dù ngập hết tầng 1, nhưng trên tầng 2, lực lượng nhân viên y tế luôn ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các nạn nhân do bão lũ gây ra. Có những bản làng nhân viên trạm y tế xã đi bộ 2-3 giờ đồng hồ tới khu cứu nạn để sơ và cấp cứu cho các nạn nhân.

Những “chiến sỹ áo trắng” băng rừng, vượt suối cứu người

Ngày 10/9, khi đám mây đen cuồn cuộn trên bầu trời Bắc Hà (Lào Cai), mưa xối xả. Bên ngoài, nước ở các khe suối ở thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc cuồn cuộn chảy xiết, dòng nước lớn mênh mông như chưa bao giờ nhiều đến như vậy. Xung quanh là những vạt núi loang lổ, đất vỡ vụn nham nhở.

Khoảng 12h30, những khối đất kèm theo nước lũ từ trên núi ầm ầm đổ xuống vùi lấp hoàn toàn 08 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc làm 14 người chết, 4 người mất tích và 11 người bị thương.

Ngay sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, 16 giờ, y sỹ Sin Thị Tâm - Bí thư chi bộ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc cùng với 8 cán bộ của xã… nhanh chóng chuẩn bị mọi hành trang vào vùng lũ để cứu hộ. Cả đoàn đi bộ, luồn qua đường rừng, vượt qua nhiều điểm sạt lở với những viên đá hộc ngổn ngang. Bên cạnh là dòng suối giờ như sông, nước chảy cuồn cuộn. Trên những sườn núi, những mảng đất bị phạt một góc do sạt lở vẫn đầy nguy cơ có thể sạt lở tiếp bất kỳ khi nào. Toàn bộ giao thông bị chia cắt, y sỹ Tâm và cả đoàn phải đi bộ đường rừng 4km gập ghềnh mất khoảng 2.5-3 giờ đồng hồ. Đến 19 giờ 30, cả đoàn mới tới nhà anh Lù Seo Pểnh - nơi được lựa chọn là điểm an toàn để lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra tạm trú và sơ cứu.

“Khi tới nơi, nhìn thấy những nạn nhân bị thương với bùn đất khắp người, khắp mặt và thậm chí cả vào mắt, người trầy xước toàn thân, một cảnh tượng khiến ai cũng cảm thấy đau xót. Ban đầu, tôi cũng hoảng sợ, nhưng chỉ sau vài phút, tôi phải tự động viên tinh thần cho mình, trấn an mình, phải vượt qua cảm giác sợ hãi đó, để sơ cấp cứu cho các nạn nhân,” y sỹ Sin Thị Tâm nhớ lại.

Y sỹ Sin Thị Tâm sơ cứu trong khu vực điều trị tạm thời cho những nạn nhân của vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xóm Bản Cái nằm giữa thung lũng, bao quanh là núi cao, tách biệt với trung tâm xã. Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, xã Nậm Lúc đã huy động lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, bản ở núi cao, tỉnh lộ 160 sạt lớn, chia cắt đường làm đôi, không thể huy động máy móc nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Khi tới nơi, nhìn thấy những nạn nhân bị thương với bùn đất khắp người, khắp mặt và thậm chí cả vào mắt, người trầy xước toàn thân, một cảnh tượng khiến ai cũng cảm thấy đau xót.

Y sỹ Sin Thị Tâm

Y sỹ Sin Thị Tâm bảo: “Những người bị thương trong vụ sạt lở thường trong tình trạng nặng và dễ bị chấn thương, nên cần phải được khiêng bằng cáng và cột cố định phòng khi đi qua những khu vực khó khăn không thể được và đường đi trơn lầy rất nguy hiểm.”

Vì vậy, đội cứu hộ 6 người chia làm 4 góc của chiếc cáng khiêng người bị thương chật vật men theo dọc con đường đất một bên là suối nước một bên là vách núi. Lực lượng cứu hộ vượt qua những đám sình lầy bùn đất khiêng những người bị nạn trên chiếc cáng dọc theo con suối mới ra tới điểm tập kết an toàn để triển khai công tác cứu nạn và trú tạm thời cho người dân.

Trong khu vực điều trị tạm thời cho những nạn nhân của vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông, ngôi nhà của anh Lù Seo Pểnh khá rộng, ở vị trí khá an toàn được lựa chọn là địa điểm để tập kết mọi người. Y sỹ Sin Thị Tâm cấp cứu trường hợp được chuyển đến cho nạn nhân như: Vệ sinh những vết thương hở, sát trùng vết thương, băng bó cho những nạn nhân bị nặng. Ở nơi tập kết này, y sỹ Tâm bận rộn không ngừng, liên tiếp những người bị thương được lực lượng cứu hộ chuyển về. Trong đêm tối, ánh sáng của đèn điện không đủ sáng, mọi người cầm chiếc đèn pin soi rọi thêm để y sỹ Tâm lấy ven, khâu vết thương cũng như tiêm chính xác.

Trong căn nhà lánh nạn, gần 30 người nằm la liệt nghỉ ngơi để trấn an lại tinh thần sau một trận “đại hồng thủy” khiến ai nấy cũng bàng hoàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong căn nhà lánh nạn, gần 30 người nằm la liệt nghỉ ngơi để trấn an lại tinh thần sau một trận “đại hồng thủy” khiến ai nấy cũng bàng hoàng. Bác sỹ Tâm ân cần hỏi han tình trạng của từng người, xem ai cần trợ giúp gì về y tế. Có những bệnh nhân trên người sây sát với chi chít vết thương trên cơ thể. Bởi người bị chìm trong bùn và nước cùng với đất đá. Có người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ 40-50 mét sau đó cố nhoài người bám vào chạy lên khỏi nước lũ.

Có trường hợp trong tình trạng nặng hơn thì y sỹ Tâm băng nẹp cố định tạm thời cho các nạn nhân chờ người vận chuyển ra lên tuyến trên. Rồi có trường hợp trẻ em bị nạn, có người trong tình trạng cần truyền nước cấp, y sỹ Tâm như quay cuồng, tất bật chăm sóc cho các nạn nhân.

Bé gái Ma Thị Xinh (gần 2 tuổi) bị thương ở đầu, một mảnh da ở đầu của bé bị bong ra do cú sạt lở gây ra. Sau khi sát khuẩn, y sỹ Tâm khâu vết thương lại cho bé để đảm bảo an toàn chờ lực lượng cứu hộ tới chuyển bé tiếp về tuyến trên. Khi đang băng bó vết thương cho ông Lý Seo Di (48 tuổi) thì lực lượng cứu hộ chuyển tới anh Ma Seo Vung (28 tuổi) trong tình trạng nặng với đa chấn thương toàn cơ thể. Ngay lập tức y sỹ Tâm chạy qua để sơ cứu cho bệnh nhân Vung.

Hai ngày đó, tôi dường như không ngủ, 11 bệnh nhân liên tục được chuyển về cần sơ cấp cứu khẩn cấp, công việc thì luôn tay, có những lúc nước sát khuẩn không còn...

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc

“Hai ngày đó, tôi dường như không ngủ, 11 bệnh nhân liên tục được chuyển về cần sơ cấp cứu khẩn cấp, công việc thì luôn tay, có những lúc nước sát khuẩn không còn, địa hình thì giao thông chia cắt, số nước sát khuẩn mang theo và huy động ở nhà dân vẫn không đủ, tôi đành bảo người dân đun nước lá chè để sát khuẩn. Rồi đáng lo khi mọi người chuyển tới chị Tráng Thị Lai (sinh năm 2.000) mang thai 7 tháng trong tình trạng đáng lo khi bệnh nhân kể không còn thấy em bé đạp mấp máy, rất may sau đó tim thai em bé vẫn còn, qua kiểm tra chỉ vài tiếng sau thai phụ và em bé vẫn an toàn, khi đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm,” y sỹ Sin Thị Tâm nhớ lại.

Trạm Y tế xã Nậm Lúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Y sỹ Tâm cho hay khi vụ sạt lở xảy ra, những nhân viên y tế khác của trạm y tế ở những khu vực sinh sống đều bị cô lập, không thể ra ngoài. Vì vậy, ngay khi tiếp cận được với những nạn nhân, cô liền cho các bệnh nhân uống thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm để không bị nhiễm khuẩn và nhiễm trùng do vết thương. Rất may đến thời điểm này 11 người bị thương đều được cứu sống, có trường hợp anh Ma Seo Vung trong tình trạng nặng nhất được chuyển tới Hà Nội điều trị, còn 10 trường hợp khác đều an toàn và đang hồi phục sức khỏe.

Y sỹ Sin Thị Tâm khám, theo dõi sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Nậm Lúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Y sỹ Sin Thị Tâm đã có thâm niên 16 năm công tác trong nghề y, trong đó có 3 năm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, nhưng đây là một “trận chiến” khốc liệt nhất mà chị trải qua. Y sỹ Tâm cho biết để đáp ứng công tác bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhân lực y tế cơ sở, những năm qua Tâm không ngừng học hỏi, tham gia vào các khóa học để cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực y tế phục vụ người dân vùng sâu vùng xa. Y sỹ Tâm đã học xong khóa đào tạo cử nhân y tế công cộng và đang chờ chuyển ngạch.

Những ngày trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ, cấp cứu cho các nạn nhân, ông Ly Seo Sẩu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho hay công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu cho các nạn nhân được đặt lên hàng đầu nên ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng y tế tuyến huyện đã lên đường tới hỗ trợ, ứng cứu khẩn cấp những người bị nạn. Tuy nhiên các tuyến đường đi đến nơi xảy ra sạt lở ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đều bị chia cắt thành nhiều đoạn, nước sông dâng cao, nhiều nơi bị ngập sâu, người đi bộ, ôtô cứu thương, xe máy và máy móc thiết bị và chuyên môn y tế tuyến trên cũng như các lực lượng cứu hộ tuyến huyện không thể tiếp cận hiện trường.

Nước sông dâng cao, nhiều nơi bị ngập sâu, người đi bộ, ôtô cứu thương, xe máy và máy móc thiết bị và chuyên môn y tế tuyến trên cũng như các lực lượng cứu hộ tuyến huyện không thể tiếp cận hiện trường.

Ông Ly Seo Sẩu - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà

“Đáng lo hơn khi trời vẫn tiếp tục mưa, tuyến đường chính vào thôn đang sạt lở hàng trăm điểm nên công tác cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân mất tích gặp vô vàn khó khăn. Khi đó, vai trò của lực lượng y tế cơ sở ở tuyến xã là mũi tên nòng cốt nhất trong cấp cứu và xử lý ban đầu cho những nạn nhân. Tuy nhiên với quyết tâm cao, đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên hàng đầu. Nhân viên y tế và các lực lượng tuyến huyện đã không quản ngại khó khăn chia làm nhiều mũi, vất vả vượt sông suối, vượt dốc men theo đường rừng để trực tiếp tiếp cận các địa bàn xảy ra sạt lở đất, nơi người dân bị cô lập, cần sự giúp đỡ, thực hiện công tác cứu nạn, tìm kiếm người bị mất tích,” Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà trải lòng.

Ông Ly Seo Sẩu cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu cho các nạn nhân tại vụ sạt lở xảy ra xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc rất khó khăn. Những trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nặng từ điểm sạt lở phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng qua quãng đường 7km xuống bờ sông tới điểm tập kết, sau đó sẽ được lực lượng cứu hộ vận chuyển bằng cano 2km đường sông tiếp mới đến điểm ôtô cứu thương. Từ đó, bệnh nhân được vận chuyển tiếp đến Phòng khám đa khoa khu vực gần nhất (Bảo Nhai) để được chăm sóc, điều trị. Trường hợp bệnh nhân nhẹ sẽ điều trị tại chỗ; nặng hơn thì được chuyển tới tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Công tác cứu hộ các nạn nhân trong vụ sạt lở tại xóm Bản Cái, Thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc. (Ảnh: PV/TTXVN)

Khó khăn tiếp tục chồng chất bởi ngoài xóm Bản Cái, khi đó xã Nậm Lúc còn xảy ra vụ sạt lở tại Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc làm sập và vùi lấp nhà điều hành thuỷ điện khiến 5 người chết, 2 người bị thương nặng và một số người bị thương nhẹ. Nhưng do đường bị chia cắt, nhân viên trạm y tế Nậm Lúc không thể tiếp cận được hiện trường đồng thời đang phải thực hiện nhiệm vụ sơ cứu tại điểm sạt Nậm Tông. Do đó, Trung tâm Y tế phải huyện phải chỉ đạo trạm y tế xã Bản Cái (xã giáp ranh với Nậm Lúc) kịp thời thực hiện nhiệm vụ sơ cứu ban đầu và đảm bảo y tế cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại thủy điện.

Ông Ly Seo Sẩu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà (ngoài cùng bên trái), tới thăm hỏi gia đình một cán bộ y tế của huyện bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi cứu nạn cho những người bị thương, ông Sẩu nhấn mạnh việc sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi. Do đó, việc tăng cường đầu tư phát triển y tế cơ sở, nâng cao năng lực, kỹ năng sơ cứu và trang bị đủ các điều kiện để thực hiện phương châm tại chỗ là rất quan trọng. Sơ cứu muộn hoặc không đúng cách sẽ làm cho cơ hội sống sót của nạn nhân không còn, hoặc để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn nếu như tính mạng được cứu sống. Nạn nhân không được sơ cấp cứu sớm sẽ dẫn đến ngừng thở, rồi ngừng tim.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngành y tế Lào Cai đã có thiệt hại về người, đó là trường hợp phó Trưởng Trạm Y tế xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thiệt mạng do bị lũ cuốn khi làm nhiệm vụ.

Không chỉ nhân viên y tế ở Trạm Y tế xã Nậm Lúc mà ở hầu hết tất cả các trạm y tế ở vùng lũ lụt, các nhân viên y tế cũng phải căng mình khắc phục mọi khó khăn về thời tiết để làm tròn sứ mệnh cứu chữa cho người dân.

Cứu người giữa mênh mông lũ dữ

Những ngày đầu tháng Chín, tại Yên Bái, nhiều trạm y tế bị cô lập hoặc ngập sâu trong nước. Nhân viên y tế trực 24/24 giờ tại trạm phải dùng đèn pin và cả đèn dầu, thiết bị y tế phải sơ tán, dịch chuyển để tránh nước dâng cao.

Bác sỹ Trần Quang Mạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Yên Bái cho hay Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái có 3 trạm y tế ngập nước, là các Trạm y tế: Nam Cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Ngày 9/9, đường vào Trạm Y tế Phường Nam Cường ngập cao đến cổ, các đoàn công tác phải di chuyển bằng xuồng máy. Tuy nhiên, các trạm y tế trước đó đã lên các kế hoạch để dù bị ngập vẫn sẵn sàng sơ cấp cứu cho bệnh nhân trong những tình huống cần thiết.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Trạm Y tế Phường Nam Cường chia sẻ lâu nay trạm đặt tại vùng trũng, nên khi được thông báo nước ngập, các nhân viên y tế của trạm đã chủ động phòng ngừa. Ứng phó với mưa và bão, lũ những ngày này, trạm cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu. Các nhân viên y tế đã phải đưa các thiết bị y tế di chuyển lên tầng 2. Cùng với bố trí thiết bị y tế an toàn, tại đây đã chuẩn bị thuốc cấp cứu lưu động, dự phòng cho người dân khi mắc các bệnh thường gặp như tiêu chảy, chấn thương, hen, dị ứng.

Trong những lúc như thiên tai lũ lụt, bão lũ xảy ra trong thời gian gần đây đã chứng minh vai trò hàng đầu của y tế cơ sở được phát huy và đây là “điểm tựa” vững chắc nhất.

“Do ngập sâu, trạm y tế hiện không có bệnh nhân lưu trú, chỉ có người dân đến khám. 5 nhân viên y tế duy trì túc trực tại trạm 24/24 và bộ đội được huy động sẵn sàng 2 đội cấp cứu lưu động gồm 1 tổ thường trực ở trạm y tế và 1 tổ sẵn sàng cơ động đi theo đến các địa điểm cần cấp cứu nạn nhân,” bác sỹ Hường cho hay.

Bác sỹ Hường cho biết mỗi tháng khám trung bình 200 bệnh nhân, có ngày đông các y bác sỹ khám cho 20 bệnh nhân, có ngày chỉ có 5-7 bệnh nhân. Những ngày qua khi nước ngập sâu, thành phố Yên Bái mất điện diện rộng, Trạm Y tế Phường Nam Cường ngập trong nước, các nhân viên y tế phải dùng pin và đèn dầu thắp sáng.

Thực tế cho thấy, qua những “phép thử” như đại dịch COVID-19 hay trong những lúc như thiên tai lũ lụt, bão lũ xảy ra trong thời gian gần đây đã chứng minh vai trò hàng đầu của y tế cơ sở được phát huy và đây là “điểm tựa” vững chắc nhất về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho thấy mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến; tuyến xã là 15,8%. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Y tế cơ sở đã góp phần làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế, tham gia dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; kiểm soát được các bệnh: lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS; tỷ lệ mắc và chết các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm liên tục qua các năm.

Cán bộ y tế cơ sở là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” y tế cơ sở tham gia giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời đồng thời triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà; lập các trạm y tế lưu động cho xã, phường, thị trấn.

“Y tế cơ sở không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầu tiên, mà còn là trụ cột của hệ thống y tế, giúp duy trì sức khỏe cho cả cộng đồng. Cán bộ y tế cơ sở là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh. Với kiến thức và tinh thần nhiệt huyết, đại bộ phận cán bộ y tế cơ sở đang không ngừng làm việc để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân, xây dựng các chương trình phòng ngừa và tăng cường nhận thức về sức khỏe,” Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định./.

Trưởng Trạm Y tế Phường Nam Cường (Yên Bái) bị ngập sâu trong nước lũ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục