Bài 1: Xót xa nỗi lòng người mẹ truyền "căn bệnh tử thần” sang con

Dường như được cắt bỏ khỏi những ẩn ức, những lo sợ, những cơn đau đớn thể xác bằng cái chết là một sự giải thoát nhẹ nhàng nhất, thế nhưng những người mẹ có HIV ấy đã nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn.
Tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)

Đã hơn 10 năm kể từ ngày đầu tiên phát hiện ra người có HIV, sự kỳ thị cũng đã giảm dần so với những năm tháng đầu tiên ấy. Thế nhưng cuộc sống của những người có HIV vẫn không dễ dàng, họ từng nghĩ đến việc tìm đến cái chết để giải thoát nhưng có những gánh nặng cuộc đời họ không nỡ bỏ lại phía sau để ra đi. Những đứa con thơ còn nhỏ đã níu giữ họ lại với cuộc sống.

Trong những câu chuyện về cuộc sống của những người có HIV, sự kỳ thị không còn là chuyện gì mới mẻ, nhưng câu chuyện xót xa về đứa trẻ vô tội sinh ra đã có HIV, thậm chí mồ côi cha mẹ vì HIV lại một lần nữa bị từ bỏ, xa lánh bởi cộng đồng có lẽ sẽ khiến nhiều người suy ngẫm và bớt đi sợ hãi với căn bệnh này.

Bài 1: Xót xa nỗi lòng người mẹ truyền căn bệnh “tử thần” sang con

Chị L.T.D (29 tuổi, quê huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) vẫn còn nhớ như in cái ngày bác sỹ thông báo “án tử hình” với chị. Phát hiện nhiễm HIV từ chồng khiến chị choáng váng, không thể nghĩ gì ngoài cái chết. Với chị lúc ấy, lựa chọn ra đi có lẽ còn dễ dàng hơn tiếp tục sống.

Dường như được cắt bỏ khỏi những ẩn ức, những lo sợ, những cơn đau đớn thể xác bằng cái chết với chị D, cũng như nhiều chị em khác cùng chung cảnh ngộ, là một sự giải thoát nhẹ nhàng nhất.

Nhưng các chị ấy đã không chết, họ vẫn tiếp tục sống, thậm chí còn nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn trước đây và thay đổi kỳ thị của những người xung quanh với gia đình họ. Chính những đứa con thơ đã khiến họ tạo nên những điều tưởng như không thể ấy.

“Chết đi sống lại” vì con thơ

Đã sống quen với căn bệnh HIV, chị L.T.D khá bình thản khi kể lại quá trình lây nhiễm HIV từ chồng, khó khăn khi vừa mang bệnh trong mình vừa một mình nuôi con. Thế nhưng khi nói về đứa con gái thì chị D bật khóc, khoảnh khắc nằm ốm chỉ muốn rời xa cõi đời như bừng tỉnh vì tiếng khóc con thơ là điều chị mãi không thể quên và đã trở thành nghị lực cho chị D tiếp tục sống.

Cách đây 4 năm, bỗng dưng thấy người liên tục ốm, các đồ vật trong nhà nhìn như nhòe đi, tiếng con gọi, tiếng người thăm hỏi nghe xa xăm... chị D tưởng mình bị suy nhược cơ thể, đi khám tại bệnh viện thì phát hiện có HIV do lây nhiễm từ người chồng nghiện ma túy. Điều đau xót nhất chính là đứa con gái mới 2 tuổi rưỡi của chị cũng bị lây nhiễm HIV.

Ngày đầu phát hiện bệnh, chị D kể lại chị như nhận bản án tử hình, chị chỉ muốn chết đi. Lúc ấy, nhìn viên thuốc đã thấy sợ, không thể nào ăn được, thậm chí cho viên thuốc vào mồm chị lại nôn ra, thế nhưng nhìn đứa con nhỏ vô tội, chị không nỡ lòng nào từ bỏ cuộc sống mà ra đi.

Chị D bùi ngùi nhớ lại: “Mình phải lấy tay che mồm lại khi uống thuốc, rồi nôn thuốc ra lại nuốt vào vì con gái mình còn bé quá, mình chết ai sẽ nuôi nó đây? Lâu dần, mình điều trị uống thuốc cũng quen dần với thuốc.”

Ngày ấy, cả tỉnh Sơn La chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La và Bệnh viện huyện Mai Sơn có thuốc điều trị ARV, tháng nào chị D cũng đưa con đi lấy thuốc đều đặn ròng rã trong suốt gần 4 năm qua.

“Mình chỉ nghĩ cố gắng điều trị để giữ gìn sức khoẻ làm việc kiếm tiền nuôi sống hai mẹ con. Bản thân cố gắng thuốc men cho con, uống đều thuốc biết đâu sau này có thuốc điều trị cho con khỏi bệnh. Rất may là trong suốt mấy năm điều trị thuốc hai mẹ con khoẻ mạnh, ít ốm vặt,” chị D tâm sự.

Chị D nói cuộc sống giờ cũng tạm ổn vì điều trị ARV một thời gian hai mẹ con khoẻ mạnh, chị chăm chỉ làm việc lo cho con cuộc sống cũng đã qua giai đoạn vất vả nhất. Chị D chỉ mong có sức khỏe để ở bên con, lo cho con được càng lâu càng tốt.

Xót xa nhìn con gái lớn lên trong kỳ thị

Cũng có một đứa con gái bị lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng nỗi lo lắng với chị B.T.H (40 tuổi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lớn hơn khi đưa con gái đang tuổi mới lớn, bắt đầu bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn về việc bị nhiễm HIV.

Sau buổi trao quà tặng trẻ em nhiễm HIV, con gái chị H chạy ra một góc khóc vì không muốn bị chụp ảnh, ghi hình. Chị H bối rối động viên với con gái: “Đầy người bị bệnh, bị ung thư còn khổ hơn mình kia kìa, mình đã là gì đâu con.”

Dẫu nói những lời nói rất mạnh mẽ, nhưng trong ánh mắt chị nhìn con có một sự xót xa vô bờ, bản năng người mẹ cho chị H biết rất rõ rằng bệnh tật không phải điều đáng sợ với con gái chị, mà nỗi lo bị xã hội kỳ thị mới khiến đứa con đang tuổi trưởng thành của chị sợ hãi.

Chị H tâm sự, con gái đang tuổi mới lớn nên hay suy nghĩ nhiều, mình lo con tủi thân nghĩ quẩn nên lo lắng khôn nguôi. Tâm sự nhẹ nhàng, nói chuyện “cứng” với con đều có cả nhưng vẫn luôn lo lắng và thương xót cho con.

“Mình cho con đi giao lưu tiếp cận với cộng đồng, vào những nhóm đồng đẳng để chia sẻ. Nhiều trường hợp trẻ đến tuổi trưởng thành, các bạn yêu đương nhưng con mình thì bị các bạn xa lánh nên trầm cảm, không ra khỏi nhà, không nói chuyện với ai thậm chí nghĩ quẩn,” chị H lo lắng nói.

Chị H ngậm ngùi kể: “Bạn bè biết cháu có HIV nên không chơi cùng. Nhiều lúc thấy tội lắm, nhất là con gái, con trai thì dễ, con gái suy nghĩ sâu xa nên nhiều khi làm mẹ như mình lo mà không biết làm thế nào.”

Hết khuyên nhủ bằng lời, chị H lại mở các trang mạng xã hội ra để con thấy nhiều hoàn cảnh bệnh tật khổ hơn vẫn cố gắng vươn lên. Rồi chị H lại động viên con rằng mẹ con mình cũng vươn lên mà sống, bây giờ HIV là căn bệnh mà mình phải sống chung với nó cả đời.

Không chỉ động viên con, chị H còn thành lập nhóm đồng đẳng của những người có HIV để giúp đỡ nhau, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về căn bệnh HIV/AIDS với hy vọng cộng đồng sẽ bớt kỳ thị, để những đứa trẻ có HIV như con chị có môi trường phát triển tốt hơn.

Không may mắn còn lại người mẹ che chở, chăm sóc như con cái của chị D, chị H, có nhiều đứa trẻ mất cả bố và mẹ vì HIV bơ vơ giữa cuộc đời. Các em không hiểu tại sao khi sinh ra đã nhiễm HIV và vì sao các em lại bị kỳ thị, xa lánh bởi cộng đồng, thậm chí cả người thân?./.

Bài 2: Giọt nước mắt sợ hãi của bé gái bị kỳ thị vì nhiễm HIV

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục