Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Những nữ lái xe dũng cảm đã vượt rừng núi Trường Sơn vận chuyển hàng hóa, góp phần không nhỏ vào chiến thắng vinh quang của dân tộc.
Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 1Những nữ chiến sỹ lái xe năm xưa tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, thế giới đã nhìn nhận Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé mà anh dũng phi thường. Cho đến tận bây giờ, kỷ niệm thời chiến từ những nhân chứng lịch sử vẫn luôn truyền cảm hứng và niềm tự hào cho thế hệ người Việt.

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.” Đất nước lâm nguy, những cô gái bé nhỏ mười tám, đôi mươi cũng xung phong lên đường, tham gia Cách mạng. Họ nhận một nhiệm vụ dường như không tưởng: Lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn C13 được thành lập ngày 18/12/1968, tiền thân là Trung đội Nữ lái xe, làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo lái xe duy nhất của quân đội trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những nữ thanh niên xung phong ấy là chứng nhân của lịch sử, là những người góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.

Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc

Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) vào một ngày cuối tháng tháng Tư. Bà Vũ Thị Kim Dung đứng tần ngần trước những bức bức ảnh ố vàng của đội nữ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ.

Đôi mắt ngấn nước, bà Dung bảo rằng đó là cả quãng đời thanh xuân mà bà cùng đồng đội không thể nào quên được.

Những cô gái nhỏ gạt tình riêng vì đất nước

Hơn 50 năm về trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Đế quốc Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó.

Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Những nữ thanh niên xung phong có sức khỏe tốt, tháo vát, biết chút ít về kỹ thuật sẽ được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc.

Đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 2Bà Vũ Thị Kim Dung bên những hiện vật của bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Năm ấy Vũ Thị Kim Dung quê ở Hưng Yên mới 17 tuổi. Nhà rất nghèo, bố mất sớm, cô là chị cả trong 5 chị em gái.

Phong trào thanh niên xung phong lúc ấy đang sục sôi, rất nhiều thanh niên hăng hái lên đường đi kháng chiến. Cảnh nhà mấy mẹ con côi cút rau cháo nuôi nhau, dựa vào nhau mà sống, bởi vậy dù cô Dung nhiều lần ướm hỏi ý mẹ nhưng mẹ cô kiên quyết không cho đi. Bà bảo: “Con có lên trời mẹ cũng cầm chân kéo xuống, mà xuống đất thì mẹ cũng nắm tóc lôi lên.”

Biết ý mẹ như thế nên Dung không dám nói thêm. Năm 1968, khi có đợt kêu gọi thanh niên “đi B,” hành quân vào chiến trường phía tây tỉnh Quảng Bình, cô lẳng lặng giấu mẹ đăng ký tham gia. Lĩnh quân trang, cô mang gửi ở nhà bạn, không để cho mẹ biết.

Ngày hôm sau lên đường, không thể giấu mẹ thêm được nữa, cô mới thú thật mọi chuyện. Từ khi bố mất, hôm ấy cô mới thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Mấy mẹ con cứ thế ôm nhau mà khóc...

Ở trường hợp khác, Dương Thị The gia nhập Đại đội nữ lái xe Trường Sơn năm 20 tuổi. Lúc đó, cô thôn nữ đã có người yêu nhưng quyết tâm ra đi vì tình đất nước lớn hơn tất cả. The đã làm đơn, lấy tên chị gái để giấu bố mẹ.

“Lúc lên tàu để vào chiến trường, tôi phải trốn trong một chiếc chăn. Khi ấy, bố tôi chạy theo lên tàu, tìm tất cả các toa mà không thấy con gái. Tàu bắt đầu chạy, ông mới đi xuống. Lúc đó, tôi mới chui ra, vẫy tay chào bố. Bất lực, ông cầm hòn đá ném theo đoàn tàu. Nhìn cảnh ấy mà nước mắt tôi trào ra vì thương bố, hẳn là ông không muốn con vào nơi bom đạn,” bà The nhớ lại.

[Ký ức về một thời phong trào thanh niên yêu nước sôi nổi]

Trong đội nữ lái xe, còn có bà Lê Thị Hải Nhi hiện đang sống ở Mê Linh (Hà Nội). Kể lại những ngày tháng còn là một thiếu nữ 17 tuổi, bà nói: "Tôi mồ côi bố mẹ khi còn nhỏ, vì thế không vấn vương nhiều với gia đình như một số bạn cùng trang lứa. Lúc đó, vì sợ địa phương không chấp thuận cho đi thanh niên xung phong bởi hoàn cảnh gia đình neo người, tôi lấy kim châm vào đầu ngón tay cho chảy máu và viết vào đơn những dòng chữ thấm đẫm tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ tình nguyện đi vào chiến trường để tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc."

Đội nữ lái xe huyền thoại

Từ các vùng quê, những cô gái tập trung về Nghệ An và Thanh Hóa, tham gia khóa học cấp tốc, rồi được đưa ra chiến trường. Trải qua khóa huấn luyện 45 ngày, 40 nữ chiến sỹ lái xe và thợ sửa chữa máy được tuyển chọn.

Ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Trung đội nữ lái xe duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ra đời. Họ được phân công theo cặp, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

“Là chiến sỹ lái xe, chúng tôi thấy rất vinh dự, nhưng hoàn thành khóa học, về đơn vị rồi chúng tôi không được nhận nhiệm vụ ngay. Nóng lòng, chúng tôi nhiều lần yêu cầu Chính trị viên lên đề xuất với chỉ huy được thông báo lại là địch đang đánh ác liệt, rất dễ hy sinh, chưa cho đội nữ lái xe lên đường,” bà Lê Thị Hải Nhi kể.

Cả đội rất buồn. Họ khóc và đề nghị thủ trưởng tiếp tục đề xuất lên lãnh đạo cấp cao hơn. Lần này, họ được trả lời là con gái tóc dài thế kia thì lái thế nào?

Nghe thế, tất cả bảo nhau cắt tóc ngắn. Sau đó ít lâu thì họ được nhận xe. Từ đó, đội nữ lái xe nhận nhiệm vụ vận chuyển khí tài, đạn dược trên tuyến đường dài hơn 100km từ Khe Tang (Hà Tĩnh) theo đường 15 vào Đá Đẽo, Xuân Sơn (Quảng Bình) và từ Khe Ve (Quảng Bình) theo đường 12, qua Cổng Trời, Cha Lo (Quảng Bình) dài hơn 60km cheo leo, hiểm trở, nơi địch đánh phá ngày đêm.

Cô gái Vũ Thị Kim Dung ngày ấy chỉ nặng chưa đến 40kg. Ngồi lên ghế lái, cô cho chiếc balô ra phía sau lưng để người nhô lên với tới vô lăng. Cô được giao nhiệm vụ là tiểu đội trưởng tiểu đội 2.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 3Những cô gái bé nhỏ mà phi thường góp phần không nhỏ cho chiến thắng vinh quang của dân tộc. (Ảnh tư liệu)

"Tất cả chúng tôi đều học lái xe và học cách tự sửa chữa được xe. Cô nào khỏe tay, lái vững thì một mình một xe, ai yếu hơn thì 2 người một xe để hỗ trợ nhau. Vào chiến trường, nam giới khổ một thì chúng tôi khổ mười nhưng chị em vẫn luôn động viên nhau cố gắng," bà Dung kể lại.

Ra chiến trường, bà Dung và đồng đội được cầm lái đủ các loại xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 69. Trên trời máy bay địch quần thảo, dưới đất đầy bom bi, bom từ trường, nhưng họ không hề nao núng, những chiếc Zin, Gaz vẫn ngày đêm cõng đạn dược, khí tài vào trận địa khiến cánh mày râu phải nể phục.

Trên đường ra trận, họ nhiều lần được các nam chiến sỹ tặng thơ, những vần thơ họ còn thuộc đến tận bây giờ, dù không biết tên tác giả: “Đất nước cần từng đoàn quân ra trận/ Vượt Trường Sơn như đi hội mùa xuân/ Có trung đội lái xe toàn con gái/ Tuổi thanh xuân, đẹp như những thiên thần...”./.

Mời độc giả theo dõi toàn bộ chùm bài Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại:

Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc
Bài 2: Mưa bom, bão đạn không ngăn được đoàn xe con gái
Bài 3: Hạnh phúc bình dị của những “nữ dũng sỹ” Trường Sơn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục