Chuyển đổi Số: Động lực phát triển kinh tế-xã hội ở Đồng Nai

Bài 1: Tỉnh Đồng Nai quyết tâm, đồng hành cùng Chuyển đổi Số

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về chủ đề: "Chuyển đổi Số: Động lực phát triển kinh tế-xã hội ở Đồng Nai" phản ánh những hoạt động Chuyển đổi Số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực ở địa phương.
Người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Chuyển đổi Số là xu thế tất yếu của thời đại, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm “Đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành công tác quản lý của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số, phát triển Kinh tế Số, Xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng Công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp Công nghệ Số có sức cạnh tranh trên thị trường.”

Phản ánh về vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về chủ đề: "Chuyển đổi Số: Động lực phát triển kinh tế-xã hội ở Đồng Nai"

Bài 1: Tỉnh Đồng Nai quyết tâm, đồng hành cùng Chuyển đổi Số

Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển, Đồng Nai đã chủ động Chuyển đổi Số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh quyết tâm thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác này nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Đồng bộ các giải pháp Chuyển đổi Số

Tại “Tuần lễ chuyển đổi số Đồng Nai” năm 2023 diễn ra vào tháng 10/2023, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết xác định Chuyển đổi Số trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội, Đồng Nai đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, chương trình hành động, triển khai đồng bộ các giải pháp Chuyển đổi Số trên tất cả lĩnh vực; đặc biệt là Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi Số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đến nay, Chuyển đổi Số đã đạt được những kết quả ban đầu hết sức quan trọng, có ý nghĩa tích cực, là cơ sở cho những đột phá trong thời gian tới.

Tiến sỹ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông Số Việt Nam nhận định Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước.

Điều này mang đến nhiều cơ hội để tỉnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực của Kinh tế Số như Kinh tế Số về công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) gồm các ngành về sản xuất phần cứng, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất nội dung số…

Bên cạnh đó, địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển Kinh tế Số nền tảng, kinh tế ngành như công nghiệp hỗ trợ, logistics, du lịch thông minh, Nông nghiệp Số, Tài chính Số, thương mại điện tử…

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

“Vấn đề địa phương cần quan tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý, kết nối Hạ tầng Số, thu hút các chuyên gia, nguồn nhân lực về Công nghệ Số. Qua đó, từng bước phát triển phù hợp, hiệu quả các nền tảng (platform) về Chuyển đổi Số, tăng cường liên kết vùng trong việc kết nối hệ Sinh thái Số, đổi mới sáng tạo…” - Tiến sỹ Trần Quý nhấn mạnh.

Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chuyển đổi Số; người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt từ Trung ương đến địa phương đạt 40%; tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt 30%.

Tỉnh đặt mục tiêu hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý đạt 30%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt khoảng 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 60%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết để nâng cao hiệu quả của chỉ số Chuyển đổi Số trên địa bàn, tỉnh tập trung từng bước phát triển 4 loại doanh nghiệp Công nghệ Số.

Chương trình đổi mới công nghệ phấn đấu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình hàng năm 15% và đến năm 2030 tăng 10% mỗi năm.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 30% doanh nghiệp sản xuất mặt hàng chủ lực và xây dựng được 3 ngành sản xuất chủ lực hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao; đào tạo, tư vấn cho 1.000 kỹ sư, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao công nghệ.

Đối với việc xây dựng, hình thành doanh nghiệp Công nghệ Số, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 8 doanh nghiệp Công nghệ Số thành lập mới và 350 doanh nghiệp chuyển đổi sang Công nghệ Số. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Công nghệ Số thương hiệu Việt, sản xuất công nghệ lõi, chủ lực.

Đồng Nai đã tham gia hoạt động Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo tại địa phương và các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.

Đề án nhằm thu hút đầu tư cho Dự án Digital Hub, hình thành các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn đặt tại khu vực Long Thành (Đồng Nai) với mục tiêu hình thành trung tâm lưu trữ, xử lý và cung cấp dịch vụ dữ liệu lớn của khu vực, tập trung vào lĩnh vực logistic.

Nhiều điểm sáng

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai Tạ Quang Trường cho biết tháng 3/2022, tỉnh triển khai thí điểm Chuyển đổi Số cấp xã ở 3 xã: Long Phước (huyện Long Thành), Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) và Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc).

Phó Giám đốc Trung tâm Phụ vụ Hành chính Công tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Thảo kiểm tra các quầy làm việc tại Trung tâm thông qua hệ thống camera quan sát. (Ảnh: TTXVN phát)

Cả 3 xã này đều có doanh nghiệp công nghệ thông tin-viễn thông đồng hành hỗ trợ. Các tiêu chí thí điểm trong hoạt động chính quyền số gồm: nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về Chuyển đổi Số; hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân; hệ thống công nghệ thông tin quản lý dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục.

Nhờ quyết tâm của người đứng đầu, sự nỗ lực, quyết liệt trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số, đến nay, huyện Long Thành đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Long Thành Dương Minh Dũng, đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện đến xã đã khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản; 100% lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn của huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp Chứng thư Số chuyên dùng, được hướng dẫn thực hiện ký số trên phần mềm quản lý văn bản và gửi, nhận trên môi trường điện tử theo trục liên thông tỉnh.

Mặt khác, hoạt động số hóa hồ sơ, tài liệu trên phần mềm một cửa điện tử của huyện Long Thành được thực hiện xuyên suốt. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, kết nối từ huyện đến 4 điểm cầu cấp xã: An Phước, Bình Sơn, Phước Thái và thị trấn Long Thành.

Ngoài các cơ sở dữ liệu đã được hình thành, đang hoàn thiện, Đồng Nai đã triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Tạ Quang Trường, Đồng Nai đã triển khai thí điểm hai nền tảng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của VNPT và Viettel trên địa bàn thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh; cơ bản bước đầu hình thành công cụ quản lý, điều hành trực tuyến, kênh thông tin giao tiếp trực tuyến với người dân, doanh nghiệp. Tỉnh triển khai thí điểm nền tảng xã hội số “Đồng Nai Chuyển đổi Số.”

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Biên Hòa đã đạt được một số chuyển biến tích cực, mang lại nhiều tiện ích cho cấp quản lý và người dân. Trung tâm đã và đang tổng hợp, phân tích dữ liệu của các ngành; sau đó, hiển thị lên biểu đồ, tạo thành các luồng dữ liệu có tính thời sự, giúp lãnh đạo thành phố theo dõi được các chỉ số quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội.

Từ các dữ liệu này, lãnh đạo thành phố có phương án chỉ đạo hợp lý với từng lĩnh vực và phân tích, thống kê, đưa ra những chỉ đạo kịp thời. Một số phân hệ hữu ích mà Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Biên Hòa mang lại như tích hợp tín hiệu camera phục vụ cho việc giám sát, điều hành về an ninh trật tự, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ người dân qua Tổng đài 1022 và phân hệ phản ánh hiện trường.

Đồng Nai đã thành lập được khoảng 1.000 tổ Công nghệ Số cộng đồng với khoảng 6.400 thành viên; triển khai thí điểm giải pháp Lớp học số và Trường học số Google for Education cho các trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh.

Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 86% dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh. Do đó, tỉnh tiên phong ứng dụng zalo để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.

Đây là phương án tối ưu để giúp hơn 2 triệu người dân địa phương sử dụng Zalo tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến, kết nối những tiện ích từ các sở, ngành liên quan; giúp người dân dễ dàng kết nối và thụ hưởng các tiện ích do chính quyền cung cấp./.

Đón đọc bài 2: Đồng Nai đẩy mạnh tạo hệ sinh thái Chuyển đổi Số

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục