Loạt bài “Kinh tế Xanh - Tạo động lực để phát triển bền vững”

Bài 1 - Phát triển Kinh tế Xanh: Vững mạnh trên bờ, ‘bứt phá’ ra biển lớn

Cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang Kinh tế Xanh, Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng “đường băng Xanh” để hướng ra biển lớn, trở thành quốc gia giàu mạnh về biển.

Một góc Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Một góc Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Lời tòa soạn:

Kinh tế Xanh/Tăng trưởng Xanh không chỉ là sự lồng ghép vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế mà là phát triển cân bằng, hài hòa giữa các mục tiêu. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), nền Kinh tế Xanh là “nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội đồng thời giảm thiểu những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”.

Còn theo OECD, “Tăng trưởng Xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, Tăng trưởng Xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.”

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, hiện Kinh tế Xanh đang là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới, với quy mô thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh lên tới khoảng 5.000 tỷ USD. Dự báo đến năm 2030, nền Kinh tế Xanh sẽ tạo ra thêm 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu...

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phát triển Kinh tế Xanh/Tăng trưởng Xanh, ngay từ Hội nghị lần thứ 3 khóa XI, Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm thực hiện định hướng phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu của việc đổi mới mô hình tăng trưởng là nhằm phát triển theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên gắn với việc đảm bảo nâng cao công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, từ khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo, nhiều định hướng và chiến lược về Tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh.

Cụ thể, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển Kinh tế Xanh ở Việt Nam.

Tiếp đó, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.

Cùng với đó, tại hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”.

Việc chuyển đổi mô hình theo Kinh tế Xanh/Tăng trưởng Xanh đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng vào loại cao trên thế giới, với mức trung bình khoảng 5,95% trong giai đoạn từ năm 2009-2020. Năm 2020-2021, dù dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,91% và 2,58%. Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, nền kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục khi “cán đích” vô cùng ấn tượng, với mức tăng 8,02%. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua (2011-2022).

Tuy đạt được những thành tựu nhất định, xây dựng Kinh tế Xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, chất lượng lao động, trình độ khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu... Nhiều chính sách chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia "cộng hưởng" xây dựng Kinh tế Xanh.

Để bạn đọc có cái nhìn tổng quát về quá trình xây dựng Kinh tế Xanh, những vấn đề đang còn vướng mắc cần giải quyết để đẩy nhanh tiến trình này, VietnamPlus đã thực hiện loạt bài “Kinh tế Xanh - Tạo động lực để phát triển bền vững”. Bên cạnh việc nêu bật những mô hình thành công, bài học kinh nghiệm “đắt giá” trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội và văn hóa-du lịch, của các doanh nghiệp…, loạt bài cũng chỉ ra những “khiếm khuyết” tạo thành các “lực cản” làm chậm quá trình “xanh hóa nền kinh tế,’ từ đó gợi mở những giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và thực chất.

kinh te xanh.jpg
Tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia "cộng hưởng" xây dựng Kinh tế Xanh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bài 1 - Phát triển Kinh tế Xanh: Vững mạnh trên bờ, ‘bứt phá’ ra biển lớn

Cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn (nhất là tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa; kiểm soát, phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn) với mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững từ trên bờ; Việt Nam đang nỗ lực “vươn mình” ra biển lớn để sớm trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.

Giảm nhựa, xanh hóa sản xuất trên bờ

Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đức Toàn, ô nhiễm rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương đã trở thành một trong ba thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay. Trong số đó, ước tính có khoảng 60% chất thải nhựa trên toàn cầu có nguồn gốc từ các đô thị.

Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy khối lượng chất thải nhựa phát sinh vào năm 2021 tại Việt Nam lên tới 8.201 tấn/ngày (tương đương với khoảng 2,93 triệu tấn/năm); trong đó 28 tỉnh, thành phố ven biển ghi nhận phát sinh khối lượng chất thải nhựa ra môi trường lớn, với khoảng 4.268 tấn/ngày.

Chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương.

Trước thực trạng trên, ông Toàn nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động quyết liệt nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết thách thức to lớn này, hướng đến môi trường trong lành và sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo và hệ thống chính sách và pháp luật, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã đặt ra yêu cầu…

Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước (như Nghệ An, Lâm Đồng, Bến Tre, Quảng Nam, Hải Phòng, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh,…) đã và đang tích cực đẩy mạnh triển khai các mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; xanh hóa các mô hình sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, nhìn nhận từ thực tế sản xuất ngành nhựa, bà Huỳnh Thị Mỹ, đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết hiện nay mỗi ngày cả nước vẫn còn phát thải khoảng 71.500 tấn rác thải, trong đó tỷ lệ nhựa chiếm khoảng 15% trong tổng lượng rác thải phát sinh. Đáng chú ý, trong hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm ngành nhựa của quốc gia hiện nay, bao bì sử dụng một lần là sản phẩm chủ lực.

rac thai.jpg
Hiện nay mỗi ngày cả nước vẫn còn phát thải khoảng 71.500 tấn rác thải, trong đó tỷ lệ nhựa chiếm khoảng 15% trong tổng lượng rác thải phát sinh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Do đó, bà Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta không cấm nhựa nhưng chúng ta nên sử dụng sao cho hợp lý, từng bước thay đổi hành vi của con người. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác hại đến môi trường và sức khỏe con người, cần nâng cao tỷ lệ thu hồi và tái chế rác thải nhựa bằng các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng tái chế có quy mô với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và tạo ra sản phẩm có giá trị cao.”

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, cho rằng để cùng quốc tế giảm thiểu hiệu quả ô nhiễm rác thải nhựa, thời gian tới cần sự hành động quyết liệt hơn từ các địa phương.

“Sự chủ động và hành động quyết liệt của các địa phương trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở trên địa bàn không chỉ giúp tạo ra môi trường trong sạch cho người dân, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế; mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại địa phương, hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra,” ông Thi nhấn mạnh.

Mở rộng tiềm lực, “vươn mình” ra biển lớn

Cùng với việc phát triển Xanh ở trên bờ, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực tạo dựng “đường băng Xanh” để hướng ra biển lớn, trở thành quốc gia giàu mạnh về biển.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay với lợi thế bờ biển dài hơn 3.260km, vùng ven biển Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo (nhất là các nguồn năng lượng sóng, gió ngoài khơi).

Vì thế, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.

Cùng với đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng đặc biệt lưu ý tới việc định hướng phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, cho biết Nghị quyết 36 đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng của phát triển kinh tế biển xanh và phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam.

diem gio ngoai khoi.JPG
Thúc đẩy phát triển năng lượng Xanh, nguồn điện sạch. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo ông Hồi, kinh tế biển xanh về bản chất là lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển (bao gồm các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển, kể cả những tài nguyên vi sinh vật).

Đơn cử như Việt Nam có dầu khí, các nguyên liệu, vật liệu, băng cháy. Do vậy, việc khai thác phải bền vững, tiết kiệm các nguồn tài nguyên để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh thực phẩm cũng như bảo đảm cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.

Mặt khác, kinh tế biển xanh phải dựa trên việc áp dụng các công nghệ. “Khi can thiệp vào quá trình phát triển kinh tế biển thì chúng ta cần phải sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường,” ông Hồi nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hồi cũng đặc biệt lưu ý nếu các nguồn vốn tự nhiên đang bị suy thoái thì cần phải tiến hành phục hồi để giữ được nguồn vốn này, đem lại giá trị đồng thời phát triển những ngành kinh tế thân thiện với môi trường như năng lượng biển tái tạo, dược liệu biển, nghề cá giải trí...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự kiến trình cơ quan có thẩm quyền vào quý IV năm 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là loại quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam. Quy hoạch này lập theo cách tiếp cận không gian, nhằm phân bổ và sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động, thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc lập quy hoạch phức tạp, mang tính tổng hợp và đa ngành.

Trên cơ sở đó, quy hoạc sẽ đưa ra những định hướng tạo động lực và phát triển kinh tế-xã hội đồng thời vẫn quản lý hiệu quả nhất về tài nguyên thiên nhiên trong thời gian tới, cũng như tạo động lực để Việt Nam khai thác hiệu quả các tiềm lực và “vươn mình” ra biển lớn, sớm trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục