Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đồng thời, Đại hội định hướng phát triển vùng theo hướng: "Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...."
Theo đó, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Bước sang năm 2023, năm đầu tiên thực hiện tổng lực một loạt các giải pháp để đưa 6 Nghị quyết nói trên vào cuộc sống, chúng ta đã phải đối diện với một loạt những trở ngại, thách thức xuất hiện ngay từ những tháng đầu năm.
Các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đều giảm sâu như vốn FDI, xuất nhập khẩu; chỉ số sản xuất công nghiệp; trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao.
Nhưng đó mới chỉ là những chỉ dấu "ngoài da," điều đáng quan tâm hơn cả là những yếu kém nội tại về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước… vẫn còn hiện hữu. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục thay đổi khó lường.
Khó khăn lớn, đòi hỏi quyết tâm càng phải lớn hơn.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế.
Để làm rõ hơn về những ý tưởng, nội dung mới trong quan điểm phát triển vùng của Đảng và Nhà nước, cũng như tìm hiểu về các giải pháp để nghị quyết đi vào cuộc sống trong tình hình mới, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài bình luận với tiêu đề "Liên kết tiềm năng tạo sức mạnh tổng lực."
Chấm dứt tình trạng xung đột lợi ích
Trong suốt hơn 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, phát triển vùng luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm với nhiều Nghị quyết, chính sách được ban hành nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế.
Tuy nhiên, do chính sách chưa sát và chưa mang tính tổng thể cộng với việc vận dụng chưa hợp lý, các vùng chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhiều vùng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, người dân phần lớn chưa khá giả, có vùng vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững…
Thực tế đã chỉ ra sự thiếu liên kết vùng đã dẫn đến một số địa phương gặp phải vấn đề "xung đột lợi ích" giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi tích tiểu vùng, toàn vùng; chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể của cả vùng, cả nước mà cục bộ "mạnh ai nấy làm."
Vì thế xảy ra tình trạng không những không liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển mà trái lại còn làm giảm động lực tăng trưởng, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của cả vùng.
Thậm chí, địa phương nào cũng muốn bứt phá, nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau. Và khi mỗi vùng không phát huy được lợi thế thì kéo theo sự kìm hãm phát triển của cả nước.
[Lực đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng qua kết nối giao thông]
Đã có nhiều chuyên gia từng ví von rằng nền kinh tế Việt Nam như mô hình "quả mít" khi tất cả đều là "gai" nhưng không có mũi nhọn nào. Các địa phương thường quan tâm tranh thủ vốn từ trung ương và làm sao để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư địa phương để tăng vốn đầu tư phát triển.
Kết quả là, nhiều tỉnh "trải thảm đỏ," chạy đua khuyến khích đầu tư nên có tình trạng "ưu đãi đầu tư vượt rào," khiến tỉnh nào cũng phát triển hao hao nhau. Nó giống như tình trạng ai cũng có quyền ưu tiên nên dẫn đến không ai có quyền ưu tiên cả.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, thì việc lựa chọn lĩnh vực nào ưu tiên để phát huy được lợi thế, thế mạnh và sự cộng hưởng của các vùng là nhiệm vụ quan trọng, chứ không thể dàn trải vùng nào, địa phương nào cũng là "mũi nhọn."
Một vấn đề quan trọng khác, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng.
Các thách thức về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập... đều cần tăng cường liên kết mà không thể một địa phương hay một vùng nào có thể thực hiện được.
Dọc ngang thông suốt
Với sự thiếu gắn kết trong mỗi vùng, trong liên vùng kinh tế-xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định việc Bộ Chính trị đưa ra các nghị quyết về phát triển vùng để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
Tổng Bí thư đã đặt vấn đề cần phải khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.
Cụ thể hơn, Tổng Bí thư yêu cầu liên kết vùng phải trở thành tư duy chỉ đạo dẫn dắt sự phát triển; các bộ, ngành đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng.
Chính phủ, các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương mỗi vùng khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, từ trung ương đến địa phương cần quán triệt đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia để "Trên dưới đồng lòng," "Dọc ngang thông suốt."
Bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và nhất là tâm thế phát triển mới.
Các nghị quyết mới là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển, nhất là khi vùng vẫn đang là "vùng trũng" trong phát triển và "lõi nghèo" của cả nước; sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển của vùng so với trung bình cả nước không những chưa được thu hẹp mà đang có xu hướng gia tăng.
Những đổi mới trong tư duy về phát triển và liên kết vùng tại 6 nghị quyết cũng giúp các bộ, ban, ngành Trung ương trong xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực.
Tư duy về liên kết vùng là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển vùng, huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô; tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.
Đối với các địa phương, nghị quyết về phát triển vùng kinh tế là không gian phát triển mới, cơ hội mới để phát huy cao nhất tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Có một không gian phát triển quốc gia cụ thể, rõ ràng, thuận tự nhiên, hợp địa lý, lịch sử, xã hội và tương quan phát triển kinh tế xã hội văn hóa an ninh quốc phòng, vừa trúng lòng người vừa đúng thời điểm khi Việt Nam cần thực hiện những cải cách quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, sẽ là cơ sở để Việt Nam thực sự đột phá kinh tế và kinh tế vùng./.
Bài 2: Không vì mục tiêu riêng mà "lãng quên" cái chung