Nhắc đến phim hoạt hình vẽ tay, một trong những cái tên được nghĩ ngay đến là Walt Disney. Đây là một trong những cái nôi khởi nguồn cho nền điện ảnh thế giới, đặc biệt là những tác phẩm bất hủ dành cho thiếu nhi.
Bộ phim hoạt hình dài đầu tiên được ra mắt vào ngày 21/12/1937 là “Bạch Tuyết và bảy chú lùn.”
“Bạch Tuyết và bảy chú lùn” là bộ phim hoạt hình được chuyển thể dựa trên truyện cổ tích "Bạch Tuyết" của anh em nhà Grimm. Đây là bộ phim hoạt hình có màu đầu tiên và là phim đầu tiên trong series phim hoạt hình truyền thống của hãng Walt Disney Animated.
“Bạch Tuyết và bảy chú lùn” được coi là một trong những bộ phim có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền điện ảnh hiện đại.
Mặc dù phim hoạt hình cũng ra đời cùng lúc với những bộ phim điện ảnh đầu tiên, nhưng chưa có ai, kể cả Winsor McCay - người sáng tạo nên bộ phim hoạt hình ngắn đầu tiên, nghĩ đến việc phim hoạt hình cũng có thể trở thành một thể loại phim hoàn chỉnh, có một hệ thống nhân vật và có cốt truyện riêng.
Walt Disney là người đầu tiên có ý định đưa phim hoạt hình thành một thể loại phim điện ảnh thực sự, ngang hàng với bất kì một bộ phim có diễn viên thực nào khác, và ông đã thành công. Có thể nói, nếu như không có “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” thì cũng không có Fantasia, Bambi, hay những Toy Story, Wall-E; không có Pixar, không có Carton Network, và thậm chí cũng chẳng có Anime nữa.
“Bạch Tuyết và bảy chú lùn” không chỉ là bộ phim tuyệt vời về hình ảnh, âm nhạc, các nhân vật hoạt hình có tính cách rõ nét, mà người xem còn yêu thích cách kết chuyện khi mụ dì ghẻ Bạch Tuyết bị các chú lùn săn đuổi, phải chạy trốn lên đỉnh núi cao, trời nổi cơn giông bão, sấm sét và mụ ta bị rơi từ mỏm núi cao xuống vực, cái ác đã bị các thế lực thiên nhiên trừng phạt đích đáng.
Ý tưởng xây dựng phim "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" bắt đầu từ đầu năm 1934 với 21 trang bản thảo được đặt tên là "Những ý tưởng cho Bạch Tuyết," trong đó phác thảo các nhân vật chính và một số phác thảo về tình tiết hài hước điển hình.
Tên của bảy chú lùn được lựa chọn trong hơn năm mươi cái tên. Cuối cùng, bảy cái tên được đặt theo tính cách điển hình của từng người là Doc (Bác sĩ), Happy (Vui Vẻ), Sneezy (Hắt Hơi), Sleepy (Ngái Ngủ), Bashful (Bẽn Lẽn), Dopey (Ngốc Nghếch) và Grumpy (Gắt Gỏng).
Họa sĩ chính là Albert Hurter, ngoài ra còn có hai họa sĩ thiết kế riêng cho nhân vật Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn là Ferdinand Hovarth và Gustaf Tenggren.
Với một cốt truyện quá quen thuộc với thiếu nhi và cả người lớn, hãng phim Walt Disney lúc bấy giờ thực sự băn khoăn liệu một cô gái được vẽ bằng tay có đủ sức thu hút sự chú ý người xem, nếu có thì hình ảnh ấy có giống như trong tưởng tượng của họ. Khó khăn nhất là nhân vật chính, nàng Bạch Tuyết. Nhân vật này phải là một cô gái rất xinh đẹp, duyên dáng, ngây thơ, vị tha, nhạy cảm và phải có một dáng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng.
Để thực hiện ý đồ đó, Disney đã cất công tìm kiếm rất nhiều người đẹp và diễn viên. Cuối cùng, cô bé 17 tuổi, con của một ông chủ trường múa đã được Disney chọn làm người mẫu để các họa sĩ phác họa, nghiên cứu thể hiện.
Còn những bài hát trong "Bạch Tuyết và Bảy chú lùn" đều do Frank Churchill và Larry Morey sáng tác. Trong đó phải kể đến các bài "Heigh-Ho," "Some Day My Prince Will Come," và "Whistle While You Work." Đây là bộ phim đầu tiên có hẳn một soundtrack album.
Sau khi chiếu thành công ở Radio City Music Hall (New York) và tại các rạp hát ở Miami vào tháng 1/1938, RKO Radio Picture quyết định công chiếu rộng rãi trên toàn quốc vào ngày 4/2.
Buổi công chiếu vô cùng thành công, có doanh thu gấp 4 lần doanh thu cao nhất của một bộ phim hình động sản xuất cùng năm.
“Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” thu về 3,5 triệu USD ở khu vực Bắc Mỹ. Vào tháng 5/1939, tổng doanh thu trên toàn thế giới lên đến 6,5 triệu đô la, trở thành bộ phim có âm thanh thành công nhất mọi thời đại, thế chỗ cho "The Singing Fool" của Al Jolson.
Phim "Bạch Tuyết" sau đó chỉ chịu nhường vị trí này cho phim "Cuốn theo chiều gió" (Gone With The Wind) vào năm 1940. Tổng kết lại,lần công diễn trên toàn thế giới đầu tiên, “Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” đã thu về hơn 8 triệu USD.
Năm 1987, để kỷ niệm 50 năm ngày bộ phim ra đời, Disney đã cho ra mắt phiên bản tiểu thuyết của bộ phim, được viết bởi nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi - Suzanne Weyn.
Trong suốt gần một thế kỷ qua, tổng doanh thu mà “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” mang lại cho hãng Disney lên tới 416 triệu USD. Với những vật phẩm “ăn theo,” kết hợp với những lần chiếu lại, bộ phim xứng đáng nằm trong top 10 "cỗ máy kiếm tiền" của Mỹ trong mọi thời đại.
Đã 76 năm kể từ ngày công chiếu, bộ phim “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” vẫn có mặt trong danh sách "100 bộ phim Mỹ vĩ đại nhất mọi thời đại” và là bộ phim hoạt hình 2D truyền thống duy nhất còn trụ lại trong bảng xếp hạng này./.