Huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vừa phát hiện vụ việc hơn 10 cây bạch tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, cưa xẻ thành thành phẩm và mang ra khỏi khu rừng tự nhiên tại tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (Lâm Hà).
Bạch tùng là loại gỗ nhóm IV, nhưng hiện đang có giá trị cao, dùng để làm ván cho chim yến làm tổ, đang được thị trường xây dựng nhà yến săn lùng.
Ngày 23/11, nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại hiện trường tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, cách trung tâm huyện Lâm Hà trên 20km, trong đó có khoảng 3km phải đi bộ leo núi.
Lúc này, các cơ quan chức năng của huyện Lâm Hà vừa khám nghiệm hiện trường xong và bắt đầu quay ra.
Tại hiện trường, nhóm phóng viên chứng kiến khoảng hơn 10 cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có thân cây hai người ôm không hết, dài tới 50m bị chặt hạ và đã cưa xẻ cẩn thận.
[Nỗi đau đại ngàn ứng hiện qua ‘giặc lửa’ thiêu tàn ‘lá phổi xanh’]
Gỗ thành phẩm đã bị mang ra khỏi rừng, chỉ còn lại những tấm ván bìa trắng toát, chạy dài như 1 dòng suối gỗ. Nhiều ngọn cây, cành lá vẫn còn xanh tươi, có vẻ như mới bị chặt hạ cách đây chưa lâu.
Quan sát bằng mắt thường, nhóm phóng viên xác định đây là loại rừng tự nhiên, bởi còn rất nhiều cây rừng cổ thụ, mọc chen lẫn trong các loại cây khác um tùm, rập rạp. Phía dưới là nhiều tầng thảm thực vật phong phú, dây leo chằng chịt.
Hình ảnh bằng thiết bị flycam mà nhóm phóng viên ghi lại từ trên không cho thấy đây là khu rừng tự nhiên hiếm hoi còn lại, trong khi xung quanh đã hoàn toàn trở thành những vườn càphê trải dài như vô tận của người dân địa phương.
Từ hiện trường trở về, nhóm phóng viên làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng, cho biết vụ việc được Kiểm lâm địa bàn phát hiện từ ngày 17/11/2020 trong khi đi tuần tra bảo vệ rừng. Khu vực này là lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.
Kết quả khám nghiệm hiện trường của Cơ quan chức năng cho thấy có 11 cây gỗ bị chặt hạ, trong đó có 7 cây Bạch tùng với khối lượng trên 14m3, 4 cây gỗ de với khối lượng gần 6,4m3 bị khai thác trái phép, trong đó khoảng 17,6m3 đã bị lấy ra khỏi hiện trường.
Sau khi phát hiện vụ vi phạm, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đã khoanh vùng đối tượng tình nghi và tổ chức kiểm tra.
Đến ngày 20/11 đã phát hiện 1,55m3 gỗ Bạch tùng cùng chủng loại tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1966, ở thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) nằm trên đường từ cánh rừng trên đi ra đường lớn.
Theo lời khai ban đầu, số gỗ trên được ông Tuyến mua của đối tượng B.M.T, 38 tuổi ở cùng thôn.
Ông Đồng Văn Tuyên cho biết khu vực rừng bị khai thác trái phép là đối tượng rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự…
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà, sau khi nhận được tin báo từ Hạt Kiểm lâm huyện, Công an và các lực lượng chức năng huyện Lâm Hà đã nhanh chóng phối hợp để điều tra làm rõ vụ việc.
Trước mắt, Công an huyện đã mời ông Nguyễn Văn Tuyến là người tàng trữ số gỗ có cùng chủng loại với loại gỗ bị khai thác trái phép lên làm việc. Đồng thời, cơ quan chức năng đã khoanh vùng nghi vấn 6 đối tượng khác, sẽ triệu tập đến làm việc trong thời gian tới.
Thượng tá Hoàng cho biết cơ quan chức năng rất mong muốn làm rõ vụ việc này để đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, làm gương cho các đối tượng khác.
Bởi Lâm Hà nhiều năm trước là địa bàn nóng của tỉnh Lâm Đồng về tình trạng phá rừng chiếm đất sản xuất.
Theo quy định của nhà nước, gỗ Bạch tùng thuộc nhóm IV. Hiện nay, trên thị trường, gỗ Bạch tùng đang được săn lùng để xây lắp nhà yến, do ván nhập khẩu quá đắt.
Gỗ Bạch tùng không bị cong vênh, ẩm mốc, có mùi thu hút chim yến làm tổ, nên hiện có giá ván thành phẩm lên tới 60 triệu đồng/m3./.