Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển là những nhóm nhiệm vụ trong tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 5/2.
Khai thác tiềm năng hiệu quả
Công bố Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 26.
Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Chính phủ sẽ là căn cứ để các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu cao nhất đã để ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW.
[Hội nghị phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ]
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7%-7,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020 và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).
Trên cơ sở đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển là một trong những nhóm nhiệm vụ giải pháp trụ cột trong Chương trình hành động của Chính phủ.
Cụ thể, các cấp, các ngành sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đổng bộ nhằm tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trống và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi, các ngành kinh tế biển mới,...
Khẳng định quyết tâm thực thi Chương trình hành động, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã chia sẻ các mục tiêu và giải pháp triển khai trong phần tham luận của mình.
Với lợi thế về hệ thống hang động kỳ vĩ cùng các dòng sông, rừng nguyên sinh có hệ sinh vật vô cùng đa dạng, phong phú và dải cát ven biển dài hơn 116km với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, đại diện tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch nghiên cứu khoa học...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch của Quảng Bình đã phục hồi khả quan trong năm 2022 với khoảng 2 triệu lượt khách đến du lịch, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 2.312 tỷ đồng và gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Để phát triển kinh tế biển bền vững, đại diện của tỉnh Hà Tĩnh lại nhấn mạnh đến giải pháp phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Lãnh đạo của Hà Tĩnh chia sẻ năm 2019, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”.
Để đạt được hiệu quả mục tiêu đề ra, vị lãnh đạo này cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ lồng ghép nội dung nhiệm 123 vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trong quá trình lập, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan.
Tăng cường nhận thức từ trong cán bộ
Khẳng định kinh tế biển đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, lãnh đạo của Phú Yên nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển, thu hút đầu tư.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ tăng cường truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển, gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.
Ngoài ra, lãnh đạo của Phú Yên chia sẻ thêm tỉnh sẽ sớm ban hành những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia các ngành kinh tế biển (như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy, hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển...). Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng vào đầu tư, khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch, phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tương xứng với lợi thế, tiềm năng, đảm bảo két sự nối chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh lân cận và trong khu vực để khai thác tối đa.
Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định đặt ra câu hỏi “Việt Nam đang ở nhà mặt tiền song GDP của vùng chưa cao” đồng thời kiến nghị với Chính phủ sớm tăng cường khả năng kết nối các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Trung ương cần sớm triển khai đầu tư đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển (trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku) trước năm 2025.
Mặt khác, quy mô hiện tại cảng hàng không Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết... Để tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, lãnh đạo Bình Định đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát vào Chương trình hành động.
Với mục tiêu trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9%-9,5%, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị Trung ương quan tâm đưa Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Tập đoàn hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức về phát triển năng lượng tải tạo) có tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD; Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn của Tập đoàn Long Sơn, công suất 5,4 triệu tấn/năm với tổng vốn đăng ký 56,257 tỷ đồng gắn với cảng chuyên dùng tại thị xã Hoài Nhơn.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề xuất Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt là triển khai kịp thời và đảm bảo nguồn lực để thực thi các Đề án, nhiệm vụ của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và ý chí, khát vọng phát triển của người dân trong Vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đột phá, phát triển nhanh và bền vững xứng đáng với vai trò, vị trí chiến lược và các tiềm năng và lợi thế của vùng”./.