Chất lượng nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu. Số lượng bác sỹ được đào tạo chính quy thấp, hiện nay, gần 88% trạm y tế có bác sỹ làm việc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ trăn trở, chính vì chất lượng nguồn nhân lực tại trạm y tế vừa thiếu và yếu như vậy đã khiến người dân chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã nên thường xuyên vượt tuyến gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, trong khi tuyến dưới lại “heo hắt” bệnh nhân...
[Thí điểm thi tuyển Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Hải Phòng]
Đây là bài toán đang được ngành y tế “đau đầu” tìm lời giải đáp thích hợp để khắc phục tình trạng trạm y tế xã yếu kém, vắng bệnh nhân như hiện nay.
Quá nhiều bệnh nhân vượt tuyến
Ngày 7/9, Bộ Y tế triển khai Hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía bắc và ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở các tỉnh phía bắc.
Hội nghị nhằm tổng kết bước đầu việc xây dựng mô hình điểm 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh. Qua nửa năm triển khai, nhiều bất cập tiếp tục lộ rõ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên Bệnh viện Trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.
Người đứng đầu ngành y tế dẫn chứng, theo thống kê có đến 35% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có 41% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
“Tôi vừa đi khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày khám đến 5.000 bệnh nhân, quá tải trầm trọng như vậy khó mà đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện Trung ương chỉ nên tập trung y tế kỹ thuật cao, còn các bệnh nhẹ khác thì nên điều trị ở tuyến dưới... Còn tại trạm y tế xã, có ngày chỉ có hai bệnh nhân đến khám," Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Theo Bộ trưởng Tiến, đó là những nghịch lý tương phản rất lớn giữa các tuyến khám chữa bệnh mà ngành y tế đang giải quyết.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ hạn chế về nhân lực tại các Trạm y tế xã hiện nay như chỉ có 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái là có đầy đủ bác sỹ tại các trạm y tế, hiện còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sỹ làm việc tại trạm y tế; 9/26 chưa có y sỹ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sỹ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay các trạm y tế mới thực hiện được 76 dịch vụ theo danh mục kỹ thuật; 241 loại thuốc.
Có 8/26 trạm y tế trong thời gian thí điểm chưa có bác sỹ làm việc gồm Thạch Mỹ, Bản Vược, Mường Vi, Dền Sáng, Sơn Diệm, Ninh Hà, Ninh Sơn, Bình Thành; 9/26 trạm chưa có y sỹ y học cổ truyền, cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Đặc biệt, tại nhiều trạm y tế bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết phải được cải tạo, nâng cấp; nhiều trang thiết bị thiếu, cũ, cần phải bổ sung, thay thế.
Bên cạnh đó, một rào cản nữa ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân vượt tuyến là danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở các trạm y tế rất ít, thiếu nhiều loại thuốc. Hơn nữa, một số trạm y tế không có bác sỹ nên hạn chế việc chỉ định sử dụng các loại thuốc.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế cử các bác sỹ của bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối về giúp trạm y tế, huyện điểm để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tại 26 trạm y tế của 8 tỉnh phía Bắc.
Tại các trạm y tế chưa có bác sỹ, Bộ Y tế sẽ cử bác sỹ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm. Đến cuối năm, Bộ Y tế sẽ hoàn thành nâng cao chất lượng tại 26 trạm này, sau đó nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Sẽ “cải tổ” hơn 12.000 trạm y tế
Cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Hiện nay, trạm y tế xã chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật. Nhiều trạm chỉ được cung ứng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản. Chất lượng nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu. Số lượng bác sỹ được đào tạo chính quy thấp.
Hầu hết trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm được trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất hạn chế sử dụng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnhcho biết, thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn khoảng trống quản lý điều trị rất lớn với 86% người tăng huyết áp chưa được điều trị; 56% người không được phát hiện. Tỷ lệ này với bệnh đái tháo đường cũng cao với 68% số người không được phát hiện và 71% chưa được điều trị.
Thực tế, hiện nay, các trạm y tế xã mới thực hiện quản lý được 13% người bệnh tăng huyết áp; 28% người bệnh đái tháo đường.
Ông Khoa nhấn mạnh, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn dồn lên tuyến trên gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ bảo hiểm y tế.
Do vậy, việc triển khai mô hình thí điểm tại 26 xã điểm có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hai việc cần làm ngay với trạm y tế xã là lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 26 trạm y tế điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang...
Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...
“Trong năm 2018, chúng ta phải hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại; không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong năm năm, từ 2019- 2023,” Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích./.
Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Để giảm tải cho y tế tuyến trên, mục tiêu ngành y tế đặt ra là phát huy vai trò y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho y tế cơ sở để các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh mắc các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã.