Bác sĩ trực cấp cứu: "Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng"

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2015, bệnh viện đã tiếp nhận khám, cấp cứu cho gần 4.000 bệnh nhân đến khám và cấp cứu
Bác sĩ trực cấp cứu: "Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng" ảnh 1Các bác sỹ cấp cứu chỉ mong dịp Tết ít người phải nhập viện. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, cùng với nỗi hân hoan của nhiều người khi được nghỉ lễ được vui chơi thì với nhiều bác sỹ tâm sự, chỉ mong dịp Tết ít người phải nhập viện để đội ngũ bác sỹ bớt “quay cuồng,” hưởng một cái Tết trọn vẹn.

Như một bác sỹ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, khoa cấp cứu của bệnh viện ngày Tết hầu như vẫn vất vả như ngày thường do số lượng bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông không hề giảm, thậm chí còn tăng hơn ngày thường.

“Tết với chúng tôi năm nào cũng trong tình trạng căng thẳng, đúng kiểu khi người ta nghỉ, thì mình lúc nào cũng lo ngay ngáy. Có thể bị điều động bất cứ lúc nào nếu có những tình huống cấp cứu khẩn cấp xảy ra,” vị bác sỹ trên chia sẻ.

Hàng nghìn bệnh nhân nhập viện dịp Tết

Đề cập đến công tác chuẩn bị cho trực cấp cứu và khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán, tiến sỹ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, dù dài hay ngắn công tác chuẩn bị của bệnh viện cũng phải được chuẩn bị chu đáo.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái (2015) bệnh viện đã tiếp nhận khám, cấp cứu cho gần 4.000 bệnh nhân. Đặc biệt, tại bệnh viện có khoảng 500-700 bệnh nhân ở lại viện ăn tết. Bệnh nhân ở lại viện ăn Tết là do bệnh nặng không thể về được và có những bệnh nhân do nhà quá xa.

So với các bệnh viện khác, Bệnh viện Việt Đức được đánh giá là nơi “nóng” nhất mỗi dịp Tết đến. Là bệnh viện chuyên khoa ngoại đầu ngành, trong những ngày Tết, trung bình bệnh viện phải tiếp nhận mổ cấp cứu từ 500-600 bệnh nhân/tuần.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, dự kiến năm nay Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân cấp cứu trong 9 ngày. Như vậy trung bình mỗi ngày các bác sỹ sẽ phải cấp cứu cho từ 50-70 bệnh nhân.

Bác sĩ trực cấp cứu: "Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng" ảnh 2Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân những ngày Tết. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Đối tượng bệnh nhân nào hay đến khám dịp Tết? Theo tiến sỹ Hùng, đó là những bệnh nhân điều trị nội trú tạm ổn thì về ăn Tết, trong dịp Tết lại do ăn uống, do thay đổi sinh hoạt nên bệnh lại nặng lên nên họ quay trở lại. Tiếp theo là bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, tai nạn.

Tiến sỹ Hùng cho hay, bệnh viện căn cứ vào những nguyên nhân trên để có các chiến thuật thích ứng kịp thời.

Trực theo 4 cấp

Vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và giữ gìn an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, công tác trực sẽ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng, trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ. Đặc biệt, danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Các đơn vị xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều bệnh viện đã chủ động kế hoạch nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo bệnh viện nhiều năm nay đều có chủ trương đảm bảo bữa ăn cho bệnh nhân miễn phí trong 3 ngày tết. Một ngày, có khoảng 2.500 suất ăn hỗ trợ toàn bộ cán bộ công nhân viên y tế và người bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi bệnh nhân đến khám lại trong dịp Tết, để bệnh nhân không phải chờ đợi khi đến khám, mọi hoạt động trong bệnh viện, nhất là khoa cấp cứu không những không giảm đi mà còn tăng thêm. Số người phục vụ cho công tác khám chữa bệnh phải đầy đủ, không để bất cứ một xáo trộn gì. Một ngày có khoảng 350 nhân viên y tế phục vụ toàn bệnh viện, với kế hoạch chu đáo được đặt ra.

Bác sĩ trực cấp cứu: "Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng" ảnh 3Công tác cấp cứu ngoại viện được các bệnh viện chuẩn bị chu đáo. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Công tác cấp cứu hàng loạt nếu có xảy ra cũng được Bệnh viện Bạch Mai lên sẵn các phương án chi tiết và đã sẵn sàng xử lý. Bệnh viện không để tình trạng nếu như có "chuyện xảy ra mới chạy đuổi." Vì vậy, bệnh viện bố trí 3 kíp trực cấp cứu để khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, các bác sỹ sẽ nhận lệnh điều động của giám đốc hoặc lãnh đạo Bộ Y tế để có thể lên đường ngay.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, trong những ngày nghỉ lễ, ngoài việc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu, bệnh viện còn bố trí lịch trực cho tình huống cấp cứu ngoại viện và cấp cứu hàng loạt.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phó giáo sư Trần Ngọc Lương - Giám đốc bệnh viện cho biết, dịp Tết bệnh viện đã lên kế hoạch trực cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, công tác khám chữa bệnh, chuẩn bị sẵn sàng về cơ số thuốc, phòng chống cháy nổ.

Theo ông Lương, trong những ngày Tết, khi có tình huống bất ngờ xảy ra, người trực lãnh đạo chịu trách nhiệm phối hợp với bảo vệ cơ quan cùng kíp trực chuyên môn giải quyết. Để công tác khám chữa bệnh được phục vụ tốt nhất trong dịp Tết, bênh viện đã bố trí riêng phòng cấp cứu có 9 cán bộ gồm: 1 lãnh đạo, 4 bác sỹ, 4 điều dưỡng trực để đảm bảo công tác cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng chuẩn bị các suất ăn cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân ở lại bệnh viện dịp Tết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục