Bậc phụ huynh nên làm gì nếu không hài lòng với giáo viên của con?

Mất đi sự bình tĩnh trước mặt trẻ hoặc việc trút giận thường không mang lại kết quả, thậm chí có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa con bạn và giáo viên.
Bậc phụ huynh nên làm gì nếu không hài lòng với giáo viên của con? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thepaper.cn)

Do nhiều nguyên nhân mà phụ huynh có thể không hài lòng với giáo viên của con. Những quan điểm khác nhau trong cách giáo dục trẻ hoặc tính cách không hợp đều có thể dẫn đến tình trạng trên. Nếu bạn cũng không thích giáo viên của con thì có thể thử làm theo những gợi ý dưới đây:

Không nổi giận trước mặt trẻ

Mất đi sự bình tĩnh trước mặt trẻ hoặc việc trút giận thường không mang lại kết quả, thậm chí có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa con bạn và giáo viên.

"Hãy giữ trong lòng những ý nghĩ tiêu cực về giáo viên," Nikita Crook, bác sỹ điều trị tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên đến từ West Vancouver, Canada, nói.

Nikita Crook chia sẻ: "Nếu bạn nói ra những ý kiến tiêu cực về giáo viên trước mặt con cái, chúng có thể cảm thấy bối rối, và sau đó chúng sẽ mất sự tôn trọng đối với các giáo viên."

Phil Kestrel là một giáo viên đến từ Canada. Anh nói rằng đôi khi cũng xảy ra tình trạng không hòa hợp với phụ huynh nhưng điều này không trở thành vấn đề gì nghiêm trọng cho đến khi phụ huynh nói về những điều này trước mặt những đứa trẻ.

"Nếu phụ huynh nào đó nói với học sinh những điều không hài lòng về tôi, tôi có thể phát hiện ngay lập tức," anh nói. "Điều này sẽ thể hiện rất rõ ràng khi tôi và học sinh tương tác với nhau ở trường."

Hãy hành động

Khi bạn nhận ra rằng điều này đã trở thành một vấn đề, bạn nên lập tức sắp xếp một cuộc hẹn với giáo viên. Kestrel khuyên như vậy.

"Đừng chờ đợi, cũng đừng nói rằng đến đâu hay đến đó. Hãy nói chuyện với giáo viên về những vấn đề đang tồn tại thậm chí đó chỉ là một số vấn đề nhỏ không đáng kể cũng không quan trọng. Hãy cứ nói ra," Kestrel nói.

Nếu không có cuộc họp phụ huynh trong thời gian đó, bạn có thể viết thư lên lịch hẹn với giáo viên. Điều này có thể thể hiện sự quan tâm của bạn và giáo viên cũng không có lý do gì để cho rằng bạn là mẫu phụ huynh thích kiểm soát. Đương nhiên, cũng sẽ có những phụ huynh thích can thiệp quá mức.

Jeff Kugler, từng là hiệu trưởng của một trường ở Canada, cho rằng giáo viên và đội ngũ quản lý nhà trường đều có thể thông cảm với những ý nghĩ của phụ huynh, và sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe những lo lắng của phụ huynh. "Nếu chúng ta cảm thấy rằng những điều gì đó đáng lo ngại đang xảy đến với trẻ, chúng ta có quyền và có trách nhiệm thay mặt học sinh nói chuyện với giáo viên."

Kugler gợi ý rằng bạn có thể nói vài điều mang yếu tố tích cực khi bắt đầu câu chuyện, hỏi giáo viên về một số vấn đề mang tính gợi mở, không mang tính chất chỉ trích. Ví dụ, bạn có thể hỏi giáo viên về thứ hạng của con bạn trong lớp.

Kugler nói thông thường giáo viên sẽ có những quan sát rất giá trị mà phụ huynh không thể nhìn thấy.

Nếu bạn đang lo lắng bạn sẽ bị mất kiểm soát trong khi trò chuyện, hoặc lo lắng bạn sẽ nói dài bất tận và quên đi vấn đề trọng tâm, bạn nên liệt kê những điều cần đề cập trước cuộc gặp với giáo viên, viết ra những điều trọng tâm mà bạn chuẩn bị nói trong buổi trò chuyện.

Kugler cũng nhắc nhở rằng có một số giáo viên rất giỏi trong việc giao tiếp với trẻ nhưng lại cảm thấy áp lực khi đối mặt với phụ huynh.

Tìm hiệu trưởng

Kugler nói việc tìm hiệu trưởng là sự lựa chọn của cá nhân nhưng ông bảo đảm rằng hầu hết các cuộc hội thoại giữa phụ huynh và cấp quản lý đều được giữ kín.

Nếu không tìm được tiếng nói chung và cách giải quyết với giáo viên, bước tiếp theo bạn có thể đi tìm hiệu trưởng. "Nếu bạn cảm thấy giáo viên không lắng nghe ý kiến của bạn, thì cấp quản lý ở trường sẽ làm trung tâm hòa giải," Kugler nói.

Phụ huynh và giáo viên nên cố gắng tìm cách khơi dậy sự nhiệt tình của học sinh, làm cho chúng cảm thấy thoải mái khi đến trường, đam mê học tập. Đôi khi một chút xích mích sẽ khiến trẻ nhận thức được sự khác biệt trong cá tính của mỗi người, và để chúng học cách đối phó với những vấn đề được gây ra bởi sự khác biệt đó.

Là một phụ huynh, công việc của bạn là hướng dẫn trẻ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này và không nhất thiết phải giúp chúng tránh đi, hoặc đưa chúng thoát khỏi một mâu thuẫn nào đó bởi đây chính là một phần của sự trưởng thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục