Mặc dù ngành sản xuất hydro xanh tại Bắc Phi vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, song báo cáo mới đây của công ty tư vấn kiểm toán Deloitte dự báo từ nay đến năm 2050, khu vực này có thể trở thành nhà sản xuất hydro xanh hàng đầu thế giới, với châu Âu là thị trường nhập khẩu chính.
Theo báo cáo dựa trên dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), hydro xanh dự kiến “vẽ lại bản đồ tài nguyên và năng lượng toàn cầu vào đầu năm 2030, tạo ra một thị trường trị giá 1.400 tỷ USD/năm vào năm 2050."
Công ty Deloitte cho rằng các nhà xuất khẩu hydro xanh chủ chốt nhiều khả năng sẽ là Bắc Phi (110 tỷ USD/năm), Bắc Mỹ (63 tỷ USD), Australia (39 tỷ USD) và Trung Đông (20 tỷ USD).
Báo cáo nhận định sự xuất hiện của thị trường hydro sạch nhờ năng lượng Mặt Trời và gió cũng có thể khiến ngành này được mở rộng hơn tại các nước đang phát triển. Chẳng hạn, điều này cũng cho phép ngành sản xuất thép của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu giảm dần việc sử dụng than đá.
Tuy nhiên, hiện 99% hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn cho ra hydro “xám,” tức là sản xuất hydro từ metan, tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
[Chính phủ Đức thông qua chiến lược về sản xuất hydro xanh]
Trong khi đó, hydro “xanh” được sản xuất thông qua quá trình điện phân, trong đó máy móc tách nước thành hydro và oxy mà không có sản phẩm phụ nào khác.
Ông Sebastien Douguet, lãnh đạo đội Mô hình hóa và Năng lượng Deloitte và cũng là đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết Bắc Phi có thể đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất hydro xanh.
Theo ông, một số nước trong khu vực như Maroc hay Ai Cập đang bắt đầu quan tâm đến vấn đề sản xuất hydro sạch. Những nước này công bố các chiến lược về sản xuất hydro chỉ vài năm sau các nước Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Douguet, báo cáo cho thấy Maroc có tiềm năng lớn về sản xuất điện Mặt Trời và điện gió, song thường bị bỏ qua. Ai Cập cũng có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu chủ chốt hydro cho châu Âu vào năm 2050 nhờ hệ thống đường ống dẫn khí thiên nhiên hiện nay có thể được điều chỉnh để vận chuyển năng lượng hydro.
Với điều kiện thuận lợi, Saudi Arabia có khả năng sản xuất 39 triệu tấn hydro xanh với giá thành thấp vào năm 2050, gấp 4 lần so với nhu cầu trong nước, giúp vương quốc này đa dạng hóa nền kinh tế ngoài nguồn thu từ dầu mỏ.
Báo cáo dự đoán đến năm 2040, các khoản đầu tư sẽ được dành vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon như một giải pháp cho quá trình sản xuất hydro từ khí metan. Đây là chiến lược hiện nay của Saudi Arabia, cũng như Mỹ, Na Uy và Canada. Hydro được sản xuất bằng phương pháp này không phải là hydro “xanh lá” mà được gọi là hydro “xanh lam.”
Hydro xanh lam được sản xuất từ khí tự nhiên, nhưng CO2 tạo ra trong quá trình sản xuất được thu giữ và lưu trữ vĩnh viễn dưới lòng đất. Trong khi đó, hydro xanh lá là khi năng lượng dùng để điện phân sử dụng các nguồn tái tạo như gió, nước hoặc năng lượng Mặt Trời, không thải ra khí carbon./.