Ngày 22/11, tại Trung tâm Bảo tồn Tranh Dân gian Đông Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức trưng bày tái hiện không gian Chợ Tranh Đông Hồ.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp thông tin Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ Dân gian Đông Hồ, một dòng tranh Dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành). Đây là loại tranh thường được phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, nên còn gọi là tranh Tết.
Trưng bày Chợ Tranh Đông Hồ nhằm tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ xưa. Khu trưng bày với 20 gian hàng giới thiệu về nghề làm tranh, nguyên liệu, các sản phẩm tranh đặc sắc của làng tranh Đông Hồ. Về với chợ tranh du khách còn được hòa mình vào không gian của vùng quê Kinh Bắc với những sản phẩm truyền thống của quê hương như các loại hoa, quả, rau củ,... của vùng quê. Qua đó, định hình xây dựng một sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ Quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Khai trương Nhà Trưng bày Di sản Văn hóa nghề làm tranh Đông Hồ
Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2024.
Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo tìm hiểu, trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Với những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn, tranh Tết Đông Hồ bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Sự phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn…
Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.
Nét độc đáo đầu tiên thu hút cảm quan người xem của tranh chính là ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là giấy dó được làm từ vỏ cây dó, với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Trên giấy được quét lên một lớp hồ điệp có nét sáng óng ánh rất đặc thù bằng cách: người ta nghiền nát vỏ con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) trộn với hồ (loại bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi là bột sắn), dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Với chổi lá thông sẽ tạo thành những đường ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng có ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, trong quá trình làm giấy điệp có thể pha thêm màu khác vào hồ. Màu sắc được sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như màu đen từ than cây xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang,… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn.
Quy trình sản xuất tranh có nhiều công đoạn, trong đó có 2 khâu chính gồm: sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh). Ở đây có thể thấy mỗi nghệ nhân đòi hỏi có ít nhiều năng khiếu bẩm sinh cũng như kỹ năng lao động cao.
Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve làm bằng thép cứng (khoảng 30-40 chiếc/bộ). Các nghệ nhân làng Hồ sáng tác mẫu vẽ tranh bằng tay còn các công đoạn khác thì dùng ván in.
Về giá trị nghệ thuật thì dòng tranh dân gian Đông Hồ mang tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, rất gần với đời sống người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Việc bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là cần thiết, cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và nghệ nhân./.