Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền Đô

Lễ hội Đền Đô gắn với tuyên truyền nét đẹp truyền thống; giới thiệu di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu trên quê hương nhà Lý và thành phố Từ Sơn, thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội.

Quan đám đọc Chiếu dời Đô. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)
Quan đám đọc Chiếu dời Đô. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Ngày 10/4, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Từ Sơn Đàm Thế Sử cho biết Lễ hội Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 11-13/4 (tức ngày 14-16/3 Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc.

Phần lễ diễn ra trang trọng với các nghi thức truyền thống như rước kiệu, khai hội, rước Mẫu, Tuyên chiếu dời đô, dâng hương tưởng niệm các vua triều Lý.

Phần hội gồm khai trương tuyến phố đi bộ thành phố Từ Sơn; Liên hoan ẩm thực du lịch và lễ hội đèn lồng; trưng bày hình ảnh về thành phố Từ Sơn, Đền Đô và đình Đình Bảng; Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP - Đồ gỗ mỹ nghệ-Đá quý khu vực phía Bắc; triển lãm và đấu giá cổ vật tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.

Cùng với đó là hoạt động biểu diễn hát ca trù, quan họ trên thuyền rồng; chương trình nghệ thuật đặc biệt và màn bắn pháo hoa nghệ thuật; biểu diễn của đội quân nhạc; Giải Quần vợt vô địch đồng đội quốc gia... Các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ tướng, thi tổ tôm điếm, đập niêu đất, gói bánh phu thê, nấu cơm nồi đất...

Điểm nhấn đáng chú ý là Lễ kỷ niệm 1015 năm Ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang kết hợp đón nhận các danh hiệu Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Đình Bảng; Bằng xếp hạng di tích quốc gia Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo và Bảo vật quốc gia Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của Bảo tàng hoàng gia Nam Hồng diễn ra vào tối 16/4 tại Đền Đô.

Diễn ra vào những ngày cuối tuần nên lễ hội dự kiến thu hút đông đảo du khách thập phương; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn. Việc tổ chức lễ hội cũng gắn với tuyên truyền nét đẹp truyền thống; giới thiệu di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu trên quê hương nhà Lý và thành phố Từ Sơn, thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội…

Lễ hội Đền Đô là một lễ hội lớn của Bắc Ninh diễn ra từ ngày 14-16/3 Âm lịch hằng năm. Năm 2025, Lễ hội Đền Đô Xuân Ất Tỵ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 1015 năm ngày Đức vua Lý Thái Tổ-Lý Công Uẩn đăng quang ngôi Hoàng đế (15/3 năm Canh Tuất 1010-15/3 năm Ất Tỵ 2025).

Năm 2025, du lịch Bắc Ninh "bùng nổ" với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tiêu biểu là các loại hình du lịch tâm linh, du lịch check in khám phá. Đặc biệt, sự thành công của MV âm nhạc "Bắc Bling" của ca sỹ Hòa Minzy đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt, thu hút du khách đến các điểm quay của MV.

ttxvn-le-hoi-den-do.jpg
Hát dân ca quan họ tại Lễ hội Đền Đô năm 2024. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Từ sức nóng "Bắc Bling," từ đầu tháng 3/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức tour du lịch miễn phí với chủ đề “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản” vào thứ 7, Chủ nhật hằng tuần.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân và du khách, Sở tham mưu tăng tour, chuyến, mở kênh đăng ký online tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Thay vì 2 tour với 4 chuyến/ngày đã tăng lên 4 tour với 8 chuyến/ngày và phục vụ hơn 700 khách/tuần. Sau 4 tuần triển khai, Bắc Ninh thu hút hơn 2.100 lượt khách tham gia trải nghiệm các tour du lịch miễn phí.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp thông tin, quý 1, Bắc Ninh đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng doanh thu ước đạt 915 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, Bắc Ninh đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Những điểm đến thu hút lượng lớn khách tham quan như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành), chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), đền Đô (thành phố Từ Sơn), đền Bà Chúa Kho, đền Cùng-Giếng Ngọc (thành phố Bắc Ninh), làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.