Bắc Ninh tích cực vào cuộc xóa bỏ ô nhiễm làng nghề, hồi sinh vùng đất chết

Theo lộ trình, hơn 200 cơ sở đang hoạt động trong khu dân cư phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2024, tiến tới dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở trong cụm công nghiệp Phong Khê vào năm 2029.

Hoạt động xản xuất giấy ở Phong Khê là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nhiều năm tại đây. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Hoạt động xản xuất giấy ở Phong Khê là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nhiều năm tại đây. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du), xã Văn Môn (huyện Yên Phong) ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Các địa phương đang tích cực vào cuộc với quyết tâm “hồi sinh vùng đất chết," dần xóa bỏ ô nhiễm môi trường.

Quyết liệt vào cuộc

Thành phố Bắc Ninh đang hành động quyết liệt, dừng hoạt động cơ sở vi phạm quy định về môi trường, quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, phường Phong Khê.

Theo lộ trình, hơn 200 cơ sở đang hoạt động trong khu dân cư phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2024, tiến tới dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở trong cụm công nghiệp Phong Khê vào năm 2029.

Cơ sở sản xuất giấy của gia đình bà Nguyễn Thị Nga, phường Phong Khê, hoạt động từ năm 2010. Sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Bắc Ninh chỉ ra sai phạm về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn mạng lưới điện, cơ sở này đã tự nguyện dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ gia đình bà nhận thức rõ vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, toàn bộ số tài sản của gia đình tích góp đều đầu tư vào máy móc, xây dựng cơ sở vật chất tại đây. Nay phải dừng hoạt động, gia đình mong các cấp chính quyền hỗ trợ giảm lãi suất hoặc giãn thời gian đóng lãi để di dời, phục hồi sản xuất ở địa điểm mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu thông tin tính đến ngày 18/10, có 158/228 cơ sở sản xuất giấy và hơi thương phẩm nằm trong khu dân cư, đất nông nghiệp tại phường Phong Khê xin tự dừng hoạt động. Một số cơ sở tháo dỡ máy móc, tìm khu vực phù hợp sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh đã nhiều lần đối thoại với các hộ sản xuất, kinh doanh giấy tại Phong Khê. Đồng thời mời một số chủ đầu tư đại diện Khu công nghiệp Quảng Chu (Bắc Kạn) và Việt Sơn (Lào Cai) giới thiệu chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư đối với các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê. Thành phố Bắc Ninh liên hệ với các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để lao động đang làm việc tại Phong Khê có nhu cầu có thể vào làm.

Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất tỉnh Bắc Ninh chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp di dời ra địa điểm hoạt động mới với kinh phí khoảng 200 triệu đồng/cơ sở. Nội dung này sẽ được trình Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xem xét, quyết định thời gian tới.

Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Du thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm, yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động cơ sở vi phạm về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm đúng lộ trình dừng hoạt động, đóng cửa, di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2024; dừng hoạt động cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2029.

ttxvn-phong khe2.jpg
Các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư tại Phong Khê đóng cửa, dừng hoạt động để bảo vệ môi trường, còn một số ít người làm thuê phân loại, xử lý giấy để bán cho các công ty tái chế khác. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Du, cho biết hiện xã Phú Lâm có 31 cơ sở đang sản xuất giấy, hơi thương phẩm; trong đó có 23 cơ sở nằm trong cụm công nghiệp, 8 cơ sở nằm ngoài. Trong cụm có 18/23 cơ sở hoàn thiện thủ tục về môi trường; 5 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép môi trường theo quy định.

Với chức năng xử lý nước thải cho các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, Công ty môi trường xanh Kinh Bắc hoàn thành đấu nối xử lý nước thải với 100% các cơ sở sản xuất. Công ty đang vận hành thử nghiệm giai đoạn I, công suất đạt 3.000m3/ngày, đêm. Đồng thời đang trình hồ sơ, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm để trong tháng 10/2024 sẽ đưa vào vận hành chính thức xử lý nước thải, công suất dự kiến 4.500m3/ngày, đêm.

Đốc thúc các địa phương chậm xử lý

Tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, cơ quan chức năng của huyện chưa tích cực vào cuộc xử lý ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm và hoạt động của làng nghề tái chế nhôm vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Mặc dù tỉnh Bắc Ninh giao huyện Yên Phong thành lập Đoàn kiểm tra và lập chốt kiểm tra, giám sát (24/24 giờ) các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề Mẫn Xá, cụm công nghiệp, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Lực lượng chuyên trách ở địa phương còn mỏng, không kiểm soát được.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Văn Môn Bùi Đức Thuyên thông tin, cơ quan chức năng mới làm việc với Ủy ban Nhân dân xã khảo sát, tìm địa điểm lập chốt kiểm soát phương tiện, hàng hóa liên quan đến cô đúc nhôm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn biểu dương thành phố Bắc Ninh tích cực, chủ động triển khai chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về bảo đảm môi trường. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra quá trình triển khai kết luận của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh về xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm và xã Văn Môn; đề nghị Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Du quyết liệt hơn nữa trong xử lý ô nhiễm môi trường tại Phú Lâm; kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở sản xuất không đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường và thực hiện nội dung khác theo tiến độ đề ra.

Về xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, ông Vương Quốc Tuấn phê bình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong trong việc chậm trễ triển khai thực hiện chỉ đạo. Đồng thời, đề nghị Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong nghiêm túc rút kinh nghiệm.

ttxvn-phong khe3.jpg
(Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Huyện Yên Phong cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chỉ đạo của tỉnh; kiên quyết dừng hoạt động cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá không có giải pháp xử lý khí bảo đảm đạt quy chuẩn Việt Nam và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật, trước ngày 31/12/2024.

Tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh do đại diện lãnh đạo Công an tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch, xây dựng… tại cụm công nghiệp Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất; kiên quyết dừng hoạt động cơ sở không bảo đảm quy định của pháp luật; báo cáo kết quả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/11/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, Phú Lâm và Văn Môn. Đồng thời thực hiện quan trắc mẫu nước tại sông Ngũ Huyện Khê (đoạn chảy qua cụm công nghiệp Phú Lâm và phường Phong Khê) mỗi tuần 3 lần vào các khung giờ khác nhau, từ ngày 25/10 đến hết ngày 31/12/2024; ghi kết quả và báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.

Công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt hành vi chống đối lực lượng chức năng. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân di dời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục