Bắc Ninh: Rào chắn sửa chữa cầu Hồ, người dân loay hoay tìm cách thức di chuyển

Lượng người và phương tiện tăng đột biến khiến các bến khách ngang sông, các điểm nút giao thông qua cầu Kinh Dương Vương có thời điểm rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc, di chuyển khó khăn.
Mặc dù đông người có nhu cầu qua đò nhưng nhà đò luôn bảo đảm an toàn, không chở quá số người quy định. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Cầu Hồ bắc qua sông Đuống thuộc Quốc lộ 38 nối địa bàn xã Tân Chi (huyện Tiên Du) và phường Hồ (thị xã Thuận Thành) là cây cầu có vị trí huyết mạch khi kết nối, thúc đẩy giao thương, đi lại của người dân Nam và Bắc sông Đuống, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

Từ nhiều năm nay, mặt cầu Hồ thường xuyên rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều “ổ gà,” “ổ voi,” có đoạn tróc hết lớp nhựa đường để lộ ra cả lớp sắt trên mặt cầu gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

Theo kế hoạch, thời gian sửa chữa cầu Hồ dự kiến kéo dài 60 ngày (từ cuối tháng 11/2024 đến cuối tháng 2/2025).

Tuy nhiên, sau gần 1 tuần các lực lượng chức năng lắp dựng rào chắn và triển khai sửa chữa cầu Hồ, mặc dù tỉnh đã tổ chức phân luồng giao thông nhưng hiện tượng ùn tắc kéo dài trên đường bộ và đường thủy vẫn diễn ra gây ảnh hưởng, khó khăn trong quá trình lưu thông của người dân.

Các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Theo đó, từ ngày 24/11, Ban Quản lý dự án 3 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị được giao quản lý Công trình sửa chữa 6 cầu trên Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5 qua tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương) đưa ra phương án phân luồng giao thông.

Ghi nhận sau 4 ngày thực hiện tại các điểm chuyển hướng theo phương án phân luồng giao thông đều được bố trí biển báo chỉ dẫn và có lực lượng chức năng thường xuyên ứng trực để hướng dẫn người dân.

Tuy nhiên do lượng người và phương tiện tăng đột biến khiến các bến khách ngang sông, các điểm nút giao thông qua cầu Kinh Dương Vương có thời điểm rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc, di chuyển khó khăn, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Cùng với đó, nhiều phương tiện xe máy, xe thô sơ lựa chọn phương án đi đò cũng gặp tình trạng tương tự.

Tại bến đò Ngăm Lương nối xã Chi Lăng (thị xã Quế Võ) với xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình) vào chiều tối 27/11, người và phương tiện xếp hàng dài từ triền đê xuống dốc chờ lên đò, chủ yếu là học sinh, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

Đây cũng là tình trạng được ghi nhận tại bến đò Chì - nối phường Bồng Lai (thị xã Quế Võ) với xã Giang Sơn (huyện Gia Bình).

Anh Nguyễn Văn Hạnh, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, đi làm ở khu công nghiệp Quế Võ chia sẻ trước đây, khi cầu chưa sửa, anh đi đường cầu; đến nay, nếu đi sẽ phải qua cầu Kinh Dương Vương, xa hơn 15km.

Bởi vậy, anh lựa chọn phương án đi đò. Tuy nhiên, để đi làm kịp giờ, anh bố trí thời gian đi từ rất sớm, tuy nhiên, đến khi về mất 30 phút chờ đò mới đến lượt. Để bảo đảm an toàn, anh nghiêm chỉnh chấp hành chỉ dẫn của các cơ quan chức năng và chủ đò.

Theo chị Nguyễn Thị Chanh, chủ đò tại bến đò Ngăm Lương, xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ, gia đình chị đã có hơn 20 năm làm nghề chở đò ở đoạn sông này.

Trước đây, bình quân mỗi ngày phục vụ khoảng 100-200 lượt người và phương tiện nhưng kể từ khi phân luồng sửa chữa cầu Hồ, lượng khách tăng gấp nhiều lần.

Chị Chanh cho biết những ngày này, con đò của gia đình luôn làm việc hết công suất. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, chị phải tăng thêm chuyến, chở từ sớm đến đêm đáp ứng nhu cầu đi lại.

Sau khi được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, gia đình chị thường xuyên tu bổ đò; đồng thời sắm thêm áo phao, yêu cầu 100% khách đi phải sử dụng áo phao. Tải trọng tối đa 15 người và phương tiện/lần chở nhưng chị yêu cầu chỉ chở 12 khách và phương tiện/lần để bảo đảm an toàn.

Không chỉ ở các bến đò, tại đường qua cầu Kinh Dương Vương vào thời điểm cuối giờ chiều cũng ghi nhận tình trạng phương tiện lưu thông tăng vọt, phải di chuyển chậm.

Anh Nguyễn Đức Hưng, thị trấn Hồ, thị xã Thuận Thành cho biết ngày nào anh cũng lên thành phố Bắc Ninh làm việc nên cũng qua cầu Hồ, đến nay được phân luồng qua cầu Kinh Dương Vương.

Các xe dồn về rất đông vào giờ cao điểm sáng và chiều tối dẫn đến ùn ứ cục bộ, có hôm tắc đến hàng giờ đồng hồ do xảy ra va chạm giao thông. Anh mong thời gian tới sẽ có phương án khắc phục tình trạng này, tạo thuận lợi, an toàn cho người dân tham gia lưu thông.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh cho biết tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, đơn vị đã kiểm tra, đôn đốc, có công văn đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định khi đi qua bến đò khách ngang sông, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đơn vị đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban An toàn giao thông huyện Tiên Du, Gia Bình, thị xã Quế Võ và Thuận Thành chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tiếp tục phổ biến rộng rãi thông tin về việc triển khai dự án, phương án phân luồng giao thông phục vụ sửa chữa cầu Hồ trên các phương tiện truyền thông để người dân kịp thời nắm bắt, đồng thuận thực hiện. Mọi vấn đề bất cập phát sinh sẽ được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Chương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông thị xã Quế Võ, trên địa bàn thị xã có 5 bến đò chở khách qua sông Cầu và sông Đuống, trong đó bến đò Chì (địa phận xã Bồng Lai) và bến đò thôn Thủy (xã Chi Lăng) ghi nhận gia tăng đột biến lượng khách.

Công an thị xã đã lên phương án phối hợp Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Ninh cắt cử lực lượng phân luồng, hướng dẫn phương tiện lên-xuống bến phà giờ cao điểm; tổ chức ký cam kết với chủ bến đò về thực hiện nghiêm các quy định an toàn đường thủy, trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi, chở đúng số người quy định, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy móc; tuyên truyền người dân nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục