Bắc Ninh: Lễ hội Kinh Dương Vương - Âm vang tiếng gọi cội nguồn

Lễ hội Kinh Dương Vương là dịp để thế hệ con cháu tưởng nhớ và tri ân Đức Thủy tổ Việt Nam đã có công khai thiên, lập quốc; kính báo với tổ tiên về những thành quả đã đạt được trong một năm qua.
Đoàn rước kiệu Lạc Long Quân tại lễ hội Kinh Dương Vương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão), tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành), kỷ niệm 4.902 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương nhấn mạnh, đây là dịp để các thế hệ con cháu chúng ta tưởng nhớ và tri ân Đức Thủy tổ Việt Nam đã có công khai thiên, lập quốc. Đồng thời kính báo với tổ tiên về những thành quả mà các thế hệ con Lạc, cháu Hồng đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian lao, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

“Quý 2 năm 2023, huyện Thuận Thành sẽ trở thành thị xã, với những thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung, cùng đoàn kết, thống nhất một lòng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước trực tiếp thờ các bậc Thủy tổ của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Thành đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo, gìn giữ khu di tích, thu hút đầu tư, xây dựng, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương khang trang, xứng tầm vóc lịch sử, là nơi phục thờ Đức Thủy tổ, giáo dục truyền thống cho các thế hệ,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Thành nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đánh trống khai hội Kinh Dương Vương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Lễ hội Kinh Dương Vương năm 2023 diễn ra trong 3 ngày từ 6-8/2 (tức từ ngày 16-18 tháng Giêng năm Quý Mão) với các hoạt động phần lễ gồm các nghi thức tế lễ truyền thống tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; phần hội tổ chức các sân khấu hát tuồng, hát quan họ, biểu diễn múa rồi nước, hát trống quân, hát chèo, ca trù, các trò chơi dân gian…

Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, tuyên truyền giáo dục lớp lớp các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Bên cạnh đó, tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục các thế hệ người Việt Nam nêu cao ý thức tự hào dân tộc, cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động, học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Khai hội Kinh Dương Vương tri ân tổ tiên có công khai thiên lập quốc]

Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ, vào năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta.

Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng.

Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thủy tổ dân tộc Việt Nam được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ Nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia.

Đoàn rước kiệu từ Đền ra Lăng Kinh Dương Vương và Lăng trở lại Đền theo nghi lễ truyền thống. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện nay khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn lưu lại những dấu tích xưa với bia, mộ và hoành phi, câu đối: "Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), "Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), "Bách Việt Tổ” (Vua tổ nước Nam)…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục