Mặc dù đã được đầu tư xây dựng bãi tác kết xử lý rác thải ở các xã, thị trấn, nhưng tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh), vấn nạn rác thải "vây" làng quê vẫn đang là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi." Và, trong khi chính quyền sở tại còn loay hoay, chưa tìm ra cách giải quyết thì người dân, từ năm này qua năm khác vẫn phải quen mùi hôi thối để “sống chung” với rác.
Rác thải "vây" làng quê
Về xã Tam Đa, huyện Yên Phong, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những bãi rác “khổng lồ” luôn trong tình trạng đầy ắp rác. Xung quanh, những bọc rác thải sinh hoạt cùng với xác động vật vứt ngổn ngang khắp đường làng ngõ xóm, rồi tràn xuống cả ruộng lúa, bờ kênh.
Theo phản ánh của người dân xã Tam Đa, từ năm 2012, trên địa bàn đã có khu tập kết rác được xây dựng ngay giữa cánh đồng, cách khu dân cư khoảng 500m. Thế nhưng khoảng vài năm gần đây, bãi tập kết rác này đã “mất kiểm soát.” Các xe thu gom rác cũng không còn đến chuyển rác lên bãi rác thải tập trung của tỉnh Bắc Ninh để xử lý.
Cô Nguyễn Thị Tính, một người dân ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa thở dài ngao ngán: “Rác ở đây tràn lan khắp đường làng, bãi tập kết, ô nhiễm lắm. Thực trạng này ai cũng thấy, nhưng vì bãi tập kết rác luôn trong tình trạng quá tải, nên người dân đành nhắm mắt vứt vô tội vạ. Ruồi nhặng thì nhiều không kể hết.”
Thực tế, ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào những ngày cuối tháng 3/2017 cũng cho thấy, khu tập kết rác tại thôn Tam Đa đã đầy ứ rác, có góc rác “vượt” tường bao, tràn xuống cả ruộng của dân. Xung quang, ruồi nhặng bâu kín bãi rác, mùi hôi thối nồng nặc.
Chia sẻ về thực trạng ô nhiễm rác thải trên địa bàn, ông Trần Văn Hạ - trưởng thôn Đại Lâm cho biết: “Trước đây, các thôn, xã được chuyển rác lên bãi xử lý tập trung của tỉnh thì việc thu gom rác triển khai rất tốt. Tuy nhiên, từ khi tỉnh thông báo không nhận rác gom lên nữa thì bãi rác cũng trở nên quá tải, rất khó xử lý.”
Theo ông Hạ, để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn hiện nay, xây dựng khu xử lý rác thải tập trung việc làm rất cấp bách. Hiện trên địa bàn xã Tam Đa đã có dự án xây dựng bãi rác mới ở thôn Đức Lý, việc giải phóng mặt bằng cũng đã được triển khai từ vài năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công.
Trưởng thôn Đại Lâm cũng cho biết, toàn thôn có 1.500 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu. Lượng rác mỗi ngày các hộ gia đình thải ra là rất lớn, nhưng vì bãi rác không còn chỗ chứa nên người dân đành phải “gần đâu thì đổ đấy, gần sông vứt sông, gần cầu vứt cầu.”
“Vấn đề này, chúng tôi cũng đã đề nghị lên xã nhưng xã chỉ cho biết đây là tình trạng chung của cả huyện, cả tỉnh chứ không phải riêng của thôn,” ông Hạ buồn rầu nói.
Cô Nguyễn Thị Thiệp, một người từng tham gia trong tổ thu gom rác thải tại thôn Đại Lâm cho biết, trước đây thôn cũng có thành lập tổ thu gom rác thải với mức thu kinh phí từ mỗi hộ gia đình là 20 nghìn đồng/tháng. Thế nhưng, 2 năm nay, bãi rác của thôn luôn trong tình trạng đầy, không có chỗ tiêu nên tổ thu gom này đã phải dừng hoạt động.
“Bây giờ khắp đường làng, bờ ruộng đâu đâu cũng thấy rác. Người ta còn mang ra ngay chỗ nhà máy nước sạch vứt nữa ấy chứ. Đặc biệt vào mùa mưa đường vừa lầy vừa hôi, kinh khủng lắm. Cấy lúa ở đây còn không gặt được vì ruồi nhặng bâu đen, rác tràn xuống ruộng khiến lúa không lên nổi,” cô Thiệp bức xúc nói.
[Người dân khốn khổ vì những đám cháy rác trong đêm ở Văn Môn]
Mỏi mòn chờ dự án xử lý rác tập trung
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề rác thải “vây” làng quê, ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết, toàn xã hiện có 4 bãi tập kết rác (mỗi bãi rộng 200m2, cao 2m) nằm tại các thôn Phấn Động, Thọ Đức, Đức Lý, Đại Lâm, nhưng hầu hết các bãi tập kết rác này đều đang trong tình trạng quá tải.
Lý giải rõ hơn về việc tồn đọng rác thải nêu trên, ông Tôn cho hay, xã Tam Đa có 3.200 hộ dân, trong đó thôn Đại Lâm chiếm gần một nửa dân số - 1.500 hộ dân. Trung bình, mỗi tháng mỗi hộ gia đình thải ra môi trường khoảng 15kg rác.
“Như vậy, tổng lượng rác của riêng thôn Đại Lâm, mỗi tháng đã hơn 22 tấn. Nếu tính toàn xã sẽ lên tới 48 tấn/tháng. Con số này là quá lớn, nên khi bãi tập kết rác quá tải không được vận chuyển đi xử lý thì việc ô nhiễm là rất nghiêm trọng,” ông Tôn nói.
Vẫn theo lời ông Tôn, để xử lý vấn đề rác thải, trước đây, rác thải sau khi dồn về bãi tập kết của các thôn sẽ được thu gom, vận chuyển lên bãi xử lý rác thải tập trung của tỉnh để xử lý. Tuy nhiên quá trình chuyển rác ở xã Tam Đa chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì bãi xử lý rác thải tập trung của tỉnh cũng quá tải.
“Trước thực trạng trên, tỉnh Bắc Ninh đã giao huyện Yên Phong tự xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Theo đó, thôn Đức Lý, xã Tam Đa được lựa chọn là khu vực triển khai dự án. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Vì thế, hàng tháng xã cũng chỉ biết thuê máy ép về nén, mua thuốc ủ để tiêu hủy bớt rác. Phần rác tràn khỏi bãi thì các thôn tự đốt,” ông Tôn thở dài nói.
Vị Chủ tịch xã Tam Đa cũng cho biết, trong quá trình chờ bãi xử lý rác thải tập trung “ra đời,” chính quyền xã đã kêu gọi các thôn thành lập tổ thu gom rác. Mỗi tháng, mỗi nhân viên trong tổ thu gom rác sẽ nhận được 3 triệu đồng (kinh phí do người dân đóng góp). Tuy nhiên, hình thức này cũng chỉ áp dụng được ở một số thôn, theo hình thức tự nguyện.
“Đến thời điểm này bãi rác đã quá tải nên tình hình ô nhiễm rất nghiêm trọng. Cái khó ở đây là hầu như trên huyện không có ý kiến chỉ đạo xử lý, trong khi người dân thì không còn chịu đóng phí cho tổ phu gom, mà tự vứt rác ra đồng, ra đường, ra sông,” ông Tôn buồn rầu.
Khi được hỏi về hướng xử lý tình trạng đổ rác, đốt rác bừa bãi nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Đa cho biết: “Trong thời gian tới, ngoài các biện pháp tuyên truyền, chính quyền xã sẽ đề nghị huyện Yên Phong sớm thực hiện dự án xây dựng bãi rác tập trung, để sớm đẩy lùi tình trạng ô nhiễm.”
“Ngoài ra, hàng tháng, xã cũng sẽ cố gắng phân bổ kinh phí để thuê máy ép về nén rác và phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các bãi tập kết rác, để đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn,” ông Tốn nói./.