Bắc Ninh: Điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Nắm bắt xu thế phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, tỉnh Bắc Ninh chủ động phát triển đội ngũ nhân lực, có nhiều chính sách cởi mở, thân thiện cùng nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư.
Các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh cử cán bộ đánh giá năng lực, lựa chọn nhân lực đến làm việc cho doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với chính sách cởi mở, thân thiện cùng nhiều giải pháp quyết liệt trong thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh hiện đang là điểm đến được các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn lựa chọn.

Nắm bắt được xu thế phát triển, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phát triển đội ngũ nhân lực với nhiều chính sách ưu đãi sẵn sàng bứt phá trong “kỷ nguyên mới.”

Động lực mới

Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn; được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Hòa chung vào xu hướng đó, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn, chíp. Trong quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam trên nền tảng sản xuất thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Tỉnh đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bắc Ninh xác định đến năm 2030, tỉnh có 21 khu công nghiệp; trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị-dịch vụ.

Ngày 11/10/2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, huyện Yên Phong, Tập đoàn Amkor khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam sau hai năm xây dựng, là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này. Đây được coi là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn và là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo. Qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Cùng với Amkor, Bắc Ninh hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động như Hana Micron; Micro Commercial Components; ITM Semiconductor; Victory Giant Technology… Với bối cảnh và lợi thế trên, Bắc Ninh đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bắc Ninh năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tăng vốn cho hàng loạt các dự án như Dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam của Victory Giant Technology Singapore tại Khu công nghiệp VSIP với vốn đầu tư 260 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 1,07 tỷ USD; dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek điều chỉnh tăng thêm 130 triệu USD và dự án Nhà máy ITM Semiconductor Việt Nam-Bắc Ninh điều chỉnh tăng thêm 58 triệu USD….

Sự tăng vốn của loạt dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy triển vọng và tiểm năng của hoạt động đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ mới này tại Bắc Ninh.

Chính sách đột phá, vượt trội

Bắc Ninh lựa chọn thu hút những dự án đầu tư theo các tiêu chí "Hai ít-Ba cao-Bốn sẵn sàng-Một không" (“hai ít” là ít sử dụng đất, ít dùng lao động; “ba cao” là suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, công nghệ cao và hiệu quả kinh tế cao; “bốn sẵn sàng” bao gồm: sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết mọi khó khăn; “một không” là không ô nhiễm môi trường).

Theo tinh thần đó, Bắc Ninh luôn nhất quán, thực hiện. Điều đó được chứng minh khi năm 2024, Bắc Ninh thu hút FDI được hơn 4,8 tỷ USD, cao nhất cả nước và nhiều nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định tham gia vào cuộc đua chip toàn cầu là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có. Tỉnh cũng xác định việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là hướng đi chiến lược, yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên thế chủ động trong chiến lược thu hút đầu tư lĩnh vực này.

Bắc Ninh dành nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn; có chính sách kết nối giữa tỉnh và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo ra hệ sinh thái dần hoàn chỉnh.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh quy định hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030.

Theo Nghị quyết, tỉnh hỗ trợ nhà giáo có trình độ sau đại học được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm với Giáo sư nam 200 triệu đồng, nữ là 220 triệu đồng; Phó Giáo sư nam là 140 triệu đồng, nữ 160 triệu đồng; Tiến sỹ nam 100 triệu đồng, nữ 120 triệu đồng; Thạc sỹ ngành công nghiệp bán dẫn với nam là 80 triệu đồng, nữ 100 triệu đồng.

Sinh viên Trường Cao Đẳng công nghiệp Bắc Ninh được đào tạo thực hành để dễ dàng tiếp cận công việc. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tỉnh hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng nếu các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm; hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn để học chuyển đổi, bồi dưỡng nâng cao thuộc chuyên ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học, học viện trong nước và nước ngoài tổ chức.

Đối với người học nghề, sinh viên tỉnh hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Mức chi hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn từ 1.640.000 đồng/tháng/người đến 2.940.000/tháng/người tùy theo bậc học và năm học khác nhau.

Bắc Ninh cũng hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo; mức chi hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.

Việc ban hành Nghị quyết 05 cho thấy Bắc Ninh là địa phương khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số, được xem như chính sách đột phá, vượt trội của Bắc Ninh, góp phần thực hiện thành công Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Chính phủ.

Tiến sỹ Vũ Quang Khuê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, cho biết sau khi Nghị quyết 05 được ban hành đã một phần định hướng cho xu hướng ngành nghề của nhà trường. Với phương chậm đào tạo theo nhu cầu thị trường, nhà trường đã nhanh chóng điều chỉnh hướng đào tạo theo xu thế tăng dần những ngành bán dẫn, tiệm cận bán dẫn. Năm 2024 nhà trường tuyển sinh 900 sinh viên cao đẳng, có tới 86% số này học những nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn; trong đó, có nhiều sinh viên đang theo học tại các trường đại học chuyển về.

Đến nay, nhà trường đang đào tạo 6/10 ngành tiệm cận bán dẫn trong hệ thống đào tạo. Dự kiến năm 2025, nhà trường cũng mở các ngành nghề mới phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn như thị giác rô bốt, vi điện tử và bán dẫn. Để đáp ứng được điều đó, bên cạnh đầu tư thêm về cơ sở vật chất, nhà trường cũng chú trọng nâng cao nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên.

Em Nguyễn Danh Hùng, sinh viên Trường Cao Đẳng Công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ: "Năm 2024, được biết tỉnh đang có nhiều chủ trương hỗ trợ đào tạo sinh viên các ngành học công nghiệp bán dẫn, tiệm cận bãn dẫn nên em được gia đình định hướng vào học ngành điện, điện tử. Em cũng tìm hiểu Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển và ngành công nghiệp bán dẫn đang là xu hướng mới, có tính bền vững trong tương lai."

Với tinh thần “Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước,” Bắc Ninh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, tiếp nhận, lắng nghe và xử lý khó khăn vướng mắc qua mọi kênh thông tin để cùng đồng hành với nhà đầu tư.

Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Bắc Ninh đã sẵn sàng từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục