Bắc Ninh: 7 doanh nghiệp Hàn Quốc và 80.000 lao động ký kết thỏa ước

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho biết đây là lần đầu tiên Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm với các doanh nghiệp.
Bắc Ninh: 7 doanh nghiệp Hàn Quốc và 80.000 lao động ký kết thỏa ước ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 22/4, tại thành phố Bắc Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc.

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan và đại diện 7 doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa ước.

Tại lễ ký kết, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho biết đây là lần đầu tiên Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm với các doanh nghiệp.

Sau 9 tháng đàm phán, hai bên đã đi đến thống nhất xây dựng được bản thỏa ước với 7 doanh nghiệp và 80.000 lao động, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, người lao động, hướng tới mục tiêu vì quyền lợi người lao động, vì sự ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung SDI Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Em-Tech Việt Nam; Công ty Cổ phần UIL Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sena Tech; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Galtronics Việt Nam.

[Bắc Ninh: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác để phát triển]

Tại lễ ký kết, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và các doanh nghiệp thống nhất ký kết tập trung vào 4 nhóm vấn đề với 15 nội dung. Trong đó, các nội dung chính gồm: Chế độ tiền lương, tiền thưởng, nâng lương (cụ thể có tiền lương thử việc; tiền thưởng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm và các loại trợ cấp); hỗ trợ gồm hỗ trợ bữa ăn ca, hỗ trợ đi lại (xăng xe), tiền thuê nhà, con nhỏ. Các chế độ phúc lợi gồm: Người lao động kết hôn, chế độ phúng viếng với người lao động và người thân của người lao động.

Các doanh nghiệp cam kết không xóa hoặc cắt giảm chế độ với người lao động được áp dụng trong thỏa ước. Người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, quy chế, nội quy của doanh nghiệp, tích cực tham gia hoạt động nâng cao tay nghề chuyên môn, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền tới người lao động nội dung bản thỏa ước và đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao sự nỗ lực của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và thiện chí của các doanh nghiệp trong việc tham gia ký kết thỏa ước nhóm doanh nghiệp điện tử. Đây là cơ sở để mang lại lợi ích cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp công đoàn sau khi ký kết thỏa ước lao động cần thông tin đến người lao động để họ thấy rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và của người lao động với với doanh nghiệp; thúc đẩy người lao động làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia thỏa ước lao động tập thể. Trước mắt, các doanh nghiệp và công nhân đã tham gia chương trình ký kết cần thực hiện nghiêm túc để thỏa thuận đạt hiệu quả cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục