Bạc Liêu đang đẩy mạnh các giải pháp khai thác và đánh bắt thủy sản hiệu quả, an toàn để phấn đấu đến năm 2025 đạt tổng sản lượng thủy sản khai thác biển và nội địa 150.000 tấn, gồm: 11.000 tấn tôm và 139.000 tấn cá cùng các loại hải sản khác.
Để thực hiện các mục tiêu này, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện các chính sách về phát triển thủy sản; thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển. Đồng thời, tuân thủ quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ.
Bên cạnh đó, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định.
[Ninh Thuận với giải pháp giúp ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp]
Tỉnh Bạc Liêu áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản như hệ thống bảo quản lạnh trang bị cho tàu cá xa bờ đạt từ 20-25%, hầm bảo quản bằng Polyurethane, lót hầm tàu bằng vật liệu inox thay cho gỗ, composite đảm bảo thu mua từ 50-55% sản lượng khai thác, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Cùng với đó, tỉnh củng cố, thành lập thêm các tổ, đội khai thác hải sản và các hình thức liên doanh, liên kết, các mô hình dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm trên biển phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển.
Tỉnh cũng nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ đoàn kết, mô hình liên kết giữa ngư dân với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trực tiếp trên tàu cá đều trải qua đào tạo nghề đạt 80%.
Mặt khác, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5” về phát triển kinh tế biển; thực hiện Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước, các thỏa thuận hợp tác về nghề cá Việt Nam đã ký kết với các nước; tuyên truyền, vận động các hộ ngư dân chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản trái phép ở các vùng biển ngoài nước.
Bạc Liêu còn đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các dự án khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá, nhất là Dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào thành cảng cá loại 1; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở dịch vụ nghề cá ven biển về cơ khí, đóng, sửa tàu cá và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành khai thác thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình thời tiết khá thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên tôm phát triển tốt, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích nuôi trồng thủy sản 133.508 ha, thu hoạch 116.772 ha, với sản lượng 112.884 tấn; trong đó tôm 58.197 tấn, cá và thủy sản khác 54.687 tấn, đạt 37,96% kế hoạch, tăng 8,25% so cùng kỳ.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản còn chưa đạt nhiều hiệu quả và một số tàu khai thác không hiệu quả làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác; sản lượng khai thác 60.516 tấn./.