Báo động diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vượt tầm kiểm soát

Bạc Liêu: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vượt tầm kiểm soát

Hiện diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, vượt gấp 10 lần kế hoạch.
Bạc Liêu: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vượt tầm kiểm soát ảnh 1Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ông Lê Quý Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu), cho biết hiện diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, vượt gấp 10 lần kế hoạch, trong đó một số địa phương tăng gần 5 lần so với cùng kỳ.

Cụ thể, năm 2013, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Phước Long khoảng 1.000ha, nay đã vượt hơn 5.000ha.

Các địa phương khác như huyện Hồng Dân, Đông Hải, Thành phố Bạc Liêu diện tích nuôi tôm loại này tiếp tục tăng cao.

Đáng báo động, tôm thẻ chân trắng đã xâm nhập vào vùng nuôi tôm truyền thống, quảng canh, quảng canh cải tiến. Người nuôi tôm lén lút thả nuôi, không khai báo với cơ quan quản lý.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có trên 1.318ha của 558 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó bị thiệt hại từ 70% trở lên.

Cũng theo ông Thủy, tại Hội thảo ''Tìm hướng đi bền vững cho nghề nuôi tôm" tổ chức ở Bạc Liêu vừa qua, các nhà khoa học đã cảnh báo, việc nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và tính đa dạng sinh học, nhất là việc cạnh tranh nguồn thức ăn với các loại thủy sản bản địa.

Đơn cử, huyện Phước Long, người dân chỉ mới thực hiện nuôi loại tôm này một vụ nhưng đã gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhiều nông dân đã phải đối mặt với vấn đề tôm sú rất khó nuôi sau khi nuôi tôm thẻ chân trắng bởi khi thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú chậm lớn do nguồn thức ăn trong ao nuôi bị tôm thẻ chân trắng ăn phần nhiều, mật độ thả nuôi thẻ chân trắng dày đặc, 100 con/m2 và loại tôm này phải được nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Trong khi đó, ở mô hình quảng canh lâu nay với con tôm sú chỉ việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao.

Sở dĩ có tình trạng tôm thẻ chân trắng thả nuôi tràn lan do nhiều năm nay, người nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng, không còn vốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bán giống thẻ chân trắng cho người nuôi theo hình thức bán chịu, khi thu hoạch mới lấy tiền. Trường hợp tôm thẻ chân trắng bị chết họ lại tiếp tục bán chịu con giống nữa.

Người nuôi tôm vì cùng đường chấp nhận rủi ro, bất chấp khuyến cáo hay sự cấm đoán của ngành chức năng. Tôm thẻ chân trắng hiện nay đầu ra vẫn hết sức bấp bênh, các doanh nghiệp thu mua không nhiều. Những tháng qua, tôm thẻ chân trắng bị rớt giá nặng.

Thực tế trước đây, người dân nuôi con tôm sú theo mô hình quảng canh, không tốn thức ăn, nay nuôi tôm thẻ chân trắng phải đầu tư thức ăn, dùng thuốc thú y thủy sản.

Các loại hóa chất này tác động xấu đến cây lúa tại khu vực chuyển đổi thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, khả năng dịch bệnh lây lan từ nuôi tôm thẻ chân trắng ra môi trường là khó tránh khỏi vì dùng chung một kênh thủy lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục