Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong 9 tháng qua, Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về thu hút FDI do tỉnh đã thu hút, trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy LNG tổng mức đầu tư 4 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu cho đại diện Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu cho đại diện Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, thời gian gần đây, thu hút đầu tư của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2020, Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, do tỉnh đã thu hút, trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.052 tỷ đồng.

Hơn nữa, 9 tháng qua, Bạc Liêu thành lập mới gần 300 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% vè số doanh nghiệp, tăng gần 60% số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Theo ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, có được kết quả trên, thời gian qua, địa phương nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Trung ương, bộ, ngành, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đã giúp môi trường đầu tư của tỉnh Bạc Liêu ngày càng được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội; đồng thời tổ chức gặp gỡ và làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Với sự nỗ lực ấy, Bạc Liêu đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, ngoài kết quả đạt được, Bạc Liêu vẫn còn những khó khăn, thách thức không nhỏ, như quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, vì phần lớn các danh mục, vị trí mời gọi đầu tư thực hiện dự án đều vướng giải phóng mặt bằng; các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án, nhất là các thủ tục bổ sung quy hoạch từ các bộ, ngành Trung ương; giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian cho nhà đầu tư; các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh chưa có gì đặc biệt so với các địa phương khác; kết cấu hạ tầng còn yếu, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nên chưa hấp dẫn cho công tác thu hút, mời gọi đầu tư.

[Bạc Liêu thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long]

Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực cạnh tranh thấp, không đủ năng lực tài chính tham gia đầu tư dự án tỉnh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương về thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội”.

Đặc biệt là thực hiện nghiêm Kết luận số 77-KL/TW, của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Kết luận số 180-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm hành chính công; đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số DDCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI)...

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 153 dự án, trong đó 138 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 41.380 tỷ đồng; 15 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục