Bạc Liêu: Cứu sống cụ bà 81 tuổi bị ong vò vẽ đốt hơn 70 vết

Bà C.T.L (81 tuổi) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, khó thở, thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp 85/50 mmHg, rối loạn tri giác, rên rỉ, bứt rứt, sau khi bị ong vò vẽ đốt 71 vết.
Bạc Liêu: Cứu sống cụ bà 81 tuổi bị ong vò vẽ đốt hơn 70 vết ảnh 1Bà C.T.L sau khi được các y, bác ỹ chăm sóc sức khỏe đã ổn định. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 20/4, bác sỹ Nguyễn Ích Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân cao tuổi bị ong vò vẽ đốt 71 vết.

Cụ thể, bà C.T.L (81 tuổi, ngụ ấp Bần Ổi, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng lừ đừ, khó thở, thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp 85/50 mmHg, rối loạn tri giác, rên rỉ, bứt rứt.

Qua khai thác bệnh sử, tiền sử và thăm khám, các bác sỹ nhận định đây là trường hợp nhiễm độc nặng do ong vò vẽ đốt, kèm theo bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

Tiên lượng bệnh nặng sẽ tổn thương đa cơ quan, hôn mê và khả năng tử vong rất cao nên các bác sỹ khẩn trương xử trí cấp cứu ban đầu, nhanh chóng thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, chỉ định lọc máu liên tục.

Sau nhiều lần lọc máu liên tục, tình trạng người bệnh được cải thiện nhiều. Hiện người bệnh đã tỉnh táo, tự đi lại, ăn uống, các chỉ số xét nghiệm đã trở về bình thường.

[Cứu sống cụ ông 80 tuổi bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt trên người]

Theo lời kể của người nhà, bà L. đi chặt bẹ dừa nước, bị ong vò vẽ đốt vào vùng đầu, mặt, tay, chân và khắp người với 71 vết. Sau đó, gia đình đưa bà đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu và điều trị.

Bác sỹ Trương Văn Phục khuyến cáo, nếu bị ong đốt nhiều vết hoặc bị đốt ở vị trí như đầu, mặt, cổ, bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc... có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, bên cạnh việc phòng ngừa, mỗi người cần biết cách xử lý đúng cách khi bị ong đốt để hạn chế nguy hiểm.

Các bước xử trí khi bị ong đốt như: Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; uống nhiều nước để loại thải độc tố...

Đặc biệt người nhà cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; nạn nhân có biểu hiện khó chịu như, đau nhiều, sưng nề vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục