"Tạp chí Chính trị Thế giới" (Mỹ) ngày 16/2 cho biết việc Pakistan quyết định cho phép một công ty Trung Quốc quản lý các hoạt động của bến cảng Gwadar ở Baluchistan (Pakistan) đã gây lo lắng cho nhiều nước ở khu vực Nam Á.
Các nguồn tin nói rằng sau khi Chính phủ Pakistan quyết định chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động của bến cảng Gwadar cho công ty Overseas Port Holdings của Trung Quốc đầu tháng 2/2013, Ấn Độ hết sức lo ngại trước những hậu quả chiến lược do cái mà New Delhi gọi là tiền đồn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương gây nên.
Bắc Kinh cho biết các mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng và tất yếu sẽ dẫn đến kết quả là số 0. Hơn nữa, Washington đang đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng khu vực Đông Á, do đó Trung Quốc phải tránh đối đầu quân sự với Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc phải lấp những khoảng trống do Mỹ để lại sau khi Washington rút quân khỏi Tây Á và Trung Đông. Bằng cách làm như vậy, Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng quyết định đến các khu vực vừa thoát khỏi một trật tự an ninh do Mỹ thống trị hoặc một cơ chế hội nhập kinh tế tồn tại trước đó.
[Ấn Độ lo chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc]
Thách thức chủ yếu hiện nay của Trung Quốc là biến sức mạnh kinh tế của họ thành sức mạnh chính trị và quyền lực mềm. Để thực hiện ý đồ đó, Bắc Kinh sẽ phân bổ các nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước trọng điểm trong khu vực thông qua các cam kết ngoại giao, trao đổi nhân lực, viện trợ nước ngoài và các dự án nghiên cứu khoa học. Như một phần của chiến lược "Tiến về phía Tây," hiện nay Trung Quốc quyết định tăng cường xây dựng cái gọi là “Con đường Tơ lụa Mới” kết nối phía Tây Trung Quốc với Trung và Nam Á.
Trung Quốc cũng đang đóng một vai trò tích cực trong việc tái thiết Afghanistan. Tháng 9/2012, ông Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc - đã đến thăm Kabul. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc trong 5 thập kỷ qua. Trong chuyến thăm, Trung Quốc cam kết hỗ trợ “huấn luyện, tài trợ và trang bị cho lực lượng cảnh sát Afghanistan.”
Đáng chú ý, chỉ vài tháng trước khi Trung Quốc và Afghanistan nâng cấp các mối quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược, Afghanistan cũng được trao cho vị thế quan sát viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc lãnh đạo. Tháng 11/2012, hội nghị ba bên giữa Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan là bằng chứng nữa cho thấy Trung Quốc đang trên con đường can dự ngày càng tăng tại Nam Á.
Ngoài một số bằng chứng trên, bến cảng Gwadar có thể là một ví dụ nữa về chiến lược mới của Trung Quốc. Mặc dù không thiết lập căn cứ hải quân thường trực, nhưng việc phát triển bến cảng Gwadar sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Bắc Kinh tăng cường sức mạnh ở Nam và Trung Á. Từ lâu, Trung Quốc đã tìm kiếm sự hiện diện chiến lược ở Ấn Độ Dương. Hiện nay, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam và Trung Á ngày càng tăng, việc Trung Quốc quản lý bến cảng Gwadar của Pakistan khiến Ấn Độ thực sự lo ngại.
[Bắc Kinh vẫn “làm thinh” vụ hải cảng của Pakistan]
Ấn Độ càng lo ngại hơn khi biết hải quân Pakistan đóng một phần quan trọng trong việc nước này hủy bỏ hợp đồng với công ty PSA International của Singapore - công ty trước đây quản lý bến cảng Gwadar. Hải quân Pakistan đã phản đối việc PSA tiếp tục quản lý cảng Gwadar vì công ty này chỉ trích kế hoạch mở rộng một căn cứ hải quân Pakistan đến khu vực đã được dành riêng để phát triển bến cảng.
Giới lãnh đạo hải quân Pakistan muốn Trung Quốc tiếp quản bến cảng và có thể phát triển một căn cứ hải quân để hải quân hai nước sử dụng chung. Việc quản lý bến cảng Gwadar không những giúp Trung Quốc khắc phục những yếu kém chiến lược do nước này đang lệ thuộc nhập khẩu năng lượng qua eo biển Malacca chật hẹp và đông đúc mà còn giải quyết những yếu điểm tương tự ở eo biển Hormuz.
Thực tế, an ninh năng lượng là một vấn đề quan trọng trong chiến lược "Tiến về phía Tây" của Trung Quốc. Không có sự hiện diện hải quân ở vùng Vịnh, Trung Quốc cảm thấy không có khả năng tự vệ chống lại sự hiện diện hải quân hùng mạnh của Mỹ tại eo biển Hormuz.
Hiện nay, bến cảng Gwadar có thể cung cấp cho Trung Quốc các tuyến đường an toàn để vận chuyển năng lượng. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể tiếp tục các kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu từ bến cảng Gwadar đến tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Năm 2011, khi Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan công khai thúc giục Trung Quốc tiếp nhận bến cảng Gwadar, Trung Quốc từ chối vì lo ngại các chiến binh của khu vực Baluch gây mất ổn định. Vào thời điểm đó, với các cuộc tấn công diễn ra thường xuyên, vì vậy Trung Quốc không muốn dính líu vào một trong các tỉnh phức tạp nhất của Pakistan.
Nhưng việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, để ngỏ chính trị của nước này cho Pakistan và Taliban có lẽ đã làm thay đổi các toan tính chiến lược của Trung Quốc. Việc Mỹ rút quân sẽ tạo nên một khoảng trống chính trị nên hiện nay Bắc Kinh hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống đó.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc quản lý bến cảng Gwadar sẽ làm thu hẹp đáng kể không gian chiến lược và ảnh hưởng khu vực của Ấn Độ. Việc Trung Quốc phát triển bến cảng Hambantota của Sri Lanka cho thấy một khi Trung Quốc thiết lập được sự hiện diện ở một quốc gia Nam Á, quốc gia đó sẽ có xu hướng thoát khỏi ảnh hưởng của Ấn Độ. Trung Quốc đang dần dần thâm nhập các nước láng giềng của Ấn Độ, do đó New Delhi nên cảnh giác để sẵn sàng đối phó với các hậu quả./.