“Bắc Kinh cần ra tay trước khi Bình Nhưỡng sai lầm”

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần can thiệp để làm giảm căng thẳng quân sự khi Triều Tiên bị mất kiểm soát và có những tính toán sai lầm.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 22/3 dẫn lời tướng về hưu đồng thời là cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (giai đoạn 2008-2011) Walter Sharp cho rằng Trung Quốc cần ngay lập tức từng bước can thiệp để làm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên bị mất kiểm soát và có những tính toán sai lầm.

 

Cùng chung quan điểm đó, Joseph DeTrani, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống phổ biến Vũ khí Hạt nhân Quốc gia (NCPC) thuộc Văn phòng Cơ quan Tình báo Quốc gia giai đoạn 2010-2012, nhấn mạnh thêm rằng với các mối quan hệ sẵn có cả về kinh tế và chính trị, Trung Quốc có đủ “ảnh hưởng” để thực hiện gợi ý đó.

 

Theo bài báo, tháng 2/2013, qua số liệu hải quan đăng tải trên báo chí sở tại cho thấy Trung Quốc đã dừng xuất khẩu dầu nặng sang Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện vẫn chưa chính thức xác nhận đó có phải là hành động trừng phạt nhằm vào Triều Tiên do thử hạt nhân hay không.

[Mỹ: Trung Quốc đã sẵn sàng trừng phạt Triều Tiên]

 

DeTrani, người đã theo đuổi vấn đề Triều Tiên trong suốt 10 năm qua, cho rằng nếu điều đó là đúng thì vẫn chưa đủ và đề nghị Bắc Kinh cần triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ba bên Trung Quốc-Mỹ-Triều Tiên, tạo tiền đề để nối lại cơ chế đàm phán sáu bên. Theo ông, bán đảo Triều Tiên đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay khi thái độ của Bình Nhưỡng trở nên rất hiếu chiến và khó dự đoán.

 

Phát biểu tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (CSIS) tổ chức, DeTrani nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là: Nhanh chóng giảm căng thẳng và Trung Quốc có điều kiện làm việc đó. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để Bắc Kinh can dự”. Bên cạnh đó, Bắc Kinh được cho là đang có cơ hội rất thuận lợi khi chính quyền mới của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có được các nhân vật chủ chốt phụ trách đối ngoại là Dương Khiết Trì, Vương Nghị và Thôi Thiên Khải. Ba nhân vật này vốn có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

 

Trở lại thời điểm năm 2003 khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã từng đảm nhận vai trò trung gian sắp xếp một cuộc gặp ba bên với cả Washington và Bình Nhưỡng. DeTrani nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và khẳng định rằng Thỏa thuận 19/9/2005 về phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà 6 bên đã đạt được sẽ là điểm khởi đầu cho việc các bên liên quan trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un của Triều Tiên chưa bao giờ tuân thủ thỏa thuận mà người cha quá cố đã ký kết trước đây.

 

Tướng Walter Sharp thì đưa ra quan điểm rằng Trung Quốc đủ “sức và lực” để đóng vai trò nòng cốt trong việc gây sức ép đối với Triều Tiên cả về ngoại giao và kinh tế. Ông nói: “Tôi luôn tin rằng Trung Quốc có thể buộc Triều Tiên thay đổi một khi họ (Bắc Kinh) thực sự muốn cắt mọi hoạt động viện trợ. Chúng ta cũng nên hối thúc họ thực hiện điều này”.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Triều Tiên ngày nay đã trở thành quốc gia mạnh hơn, hiếu chiến hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với những năm trước đây”, và rằng họ (Triều Tiên) đang tiến tới khả năng có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới với tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Tướng Walter Sharp đặc biệt lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sớm “tấn công” Seoul tương tự như đã làm hồi năm 2010.

[Mục đích những lời đe dọa cứng rắn của Triều Tiên]

 

Do vai trò của Bắc Kinh ở đây là “rất quan trọng” nên theo tướng Walter Sharp thì Trung Quốc là nhân tố “không thể thiếu” trong chiến lược đối với Triều Tiên của Chính quyền Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó, Washington cũng cần tăng cường hợp tác với các đồng minh của mình trong khu vực, đặc biệt là Seoul và Tokyo để củng cố khả năng phòng vệ.

 

Tướng Walter Sharp nói: “Thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo Hàn-Nhật quan trọng không chỉ đối với hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa mà còn rất hữu ích trong trường hợp có xung đột xảy ra”.

Cho đến nay Seoul và Tokyo vẫn chưa ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quốc phòng. Bên cạnh đó, trong việc “ứng phó” với một quốc gia giống như Triều Tiên, tướng Walter Sharp cho rằng cần phải có hành động mang tính cân bằng tập trung vào sự ổn định và dần dần hành động để buộc Triều Tiên thay đổi.

 

Ông đi đến kết luận với nhận định: “Tôi cho rằng đã đến lúc Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế lấy lại thế cân bằng để ‘buộc’ Triều Tiên phải thay đổi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục