Bắc Kạn là thị trường nông, lâm nghiệp tiềm năng với DN Nhật Bản

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, nguồn vốn ODA do Nhật tài trợ có ý nghĩa quan trọng với tỉnh và là nguồn lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngày 25/3, đoàn Đại sứ quán Nhật Bản do ngài Nagai Katsuro, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản và ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn để nắm bắt tình hình hợp tác và triển khai các chương trình, dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Đồng thời, cũng để đoàn ghi nhận những ý kiến, đề xuất về việc đầu tư của Chính phủ Nhật Bản cho Bắc Kạn trong thời gian tới trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh nguồn vốn ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Bắc Kạn và là nguồn lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, để nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội mang tính liên kết vùng, khu vực, ông Nguyễn Văn Du kiến nghị với Đại sứ quán Nhật Bản tiếp tục giúp đỡ tỉnh Bắc Kạn tham gia chương trình JICA SPL VII do Nhật Bản tài trợ Việt Nam.

Cùng với đó, tỉnh cần bổ sung chính sách, giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội về giao thông; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo.

Đối với nguồn vốn FDI, Bắc Kạn đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản kêu gọi các nhà đầu tư của Nhật Bản đến đầu tư tại Bắc Kạn; trong đó ưu tiên các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như trồng rừng, chế biến gỗ; chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định thế mạnh của Bắc Kạn chính là nông nghiệp và lâm nghiệp bởi mật độ rừng che phủ 85% diện tích (385.000ha rừng), đất tốt và màu mỡ; đặc biệt trồng nhiều loại cây công nghiệp gỗ mỡ phù hợp để khai thác, chế biến sản xuất các mặt hàng gỗ công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp cũng rất trù phú và rộng lớn, phù hợp trồng nhiều loại cây có khả năng xuất khẩu sang Nhật Bản. Bắc Kạn là thị trường tiềm năng để Nhật Bản đầu tư nông nghiệp và lâm nghiệp.

Ngài Nagai Katsuro cho biết tới đây, Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn, cách thức hỗ trợ cho Bắc Kạn sau khi các dự án trước đây kết thúc. Ngoài ra, Nhật Bản còn nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại, nguồn vốn này Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có thể tự quyết định đầu tư nên tỉnh Bắc Kạn nếu có nhu cầu có thể đề xuất với phía Đại sứ quán Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ngài Nagai Katsuro, Bắc Kạn cần phải tăng cường truyền bá thông tin, hình ảnh thế mạnh của Bắc Kạn và có thêm nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư hơn nữa để các doanh nghiệp của Nhật Bản nhận thấy nhiều thuận lợi khi có ý định đầu tư. Đặc biệt, Đại sứ quán Nhật Bản sẵn sàng làm cầu nối cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Kạn.

Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã thiếp lập quan hệ hợp tác phát triển với 15 nhà tài trợ trên thế giới, trong đó Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ có mối quan hệ sớm nhất với tỉnh Bắc Kạn.

Trong giai đoạn 1997-2015, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho tỉnh Bắc Kạn 28 chương trình, dự án ODA với tổng số vốn gần 325 tỷ đồng và đã giải ngân 100% số vốn được giao.

Các dự án đều mang lại hiệu quả rõ rệt như dự án cải tạo nâng cấp đường 258 Phủ Thông-Ba Bể; dự án đường Quang Phong-Đổng Xá, huyện Na Rì... Các dự án đã hoàn thành giúp cải thiện cuộc sống, thuận lợi sinh hoạt cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ dân tại các nơi dự án đi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục