Bác Hồ và tình cảm đặc biệt dành cho Thông tấn xã Việt Nam

Trong lịch sử phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan báo chí thành lập ngày 15/9/1945, là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.
Bác Hồ và tình cảm đặc biệt dành cho Thông tấn xã Việt Nam ảnh 1Bức tượng Bác Hồ đặt tại tầng 2 tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. (Nguồn: Báo Tin tức)

Trong lịch sử phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan báo chí thành lập ngày 15/9/1945, là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Dấu ấn phát triển của Thông tấn xã Việt Nam in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người và sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn ngành.

13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945, từ Đài vô tuyến điện Bạch Mai (Hà Nội), Việt Nam Thông tấn xã đã phát đi toàn thế giới Bản Tuyên ngôn Độc lập và Danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh.

Thời khắc ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và trở thành Ngày truyền thống của Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn Nhà nước vinh dự được Bác Hồ đặt tên, rèn luyện và dìu dắt. Có một hình ảnh rất đẹp và rất thấm thía đối với mỗi cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam là trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ngồi trên một cái ghế bằng tre, trước mặt là cái bàn bằng nứa, chữa tin cho Thông tấn xã Việt Nam. Người từng căn dặn cán bộ, phóng viên: “Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi.”

Sáng mồng 1 Tết Ất Mùi năm 1955, Bác gọi điện thoại chúc tết cán bộ, viên chức Việt Nam Thông tấn xã: “Năm mới, cố gắng mới, thành công mới” và “Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật.”

Bác hầu như không bỏ sót bất cứ một tin quan trọng nào của Thông tấn xã Việt Nam. Đối với các sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật, Bác đều chờ tin của Thông tấn xã Việt Nam; và không ít trường hợp, Bác chỉ có ý kiến chỉ đạo sau khi đã tham khảo đầy đủ các bản tin do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp.

Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho tập thể và những cán bộ, phóng viên, tạo điều kiện cho phóng viên trong khi tác nghiệp. Nguyên Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã Lê Bá Thuyên đã vinh dự được tháp tùng Bác trong chuyến Người đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa sau ngày miền Bắc giải phóng.

Bác Hồ và tình cảm đặc biệt dành cho Thông tấn xã Việt Nam ảnh 2Phóng viên VNTTX Võ Thế Ái (người đi sau Bác Hồ) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa đi thăm đập Thác Huống (Thái Nguyên) Xuân 1955. (Ảnh Tư liệu)

Nhà báo Võ Thế Ái được tháp tùng Bác đi thăm công trình đập Thác Huống (Thái Nguyên) để viết tin, bài tường thuật. Nhà báo Lâm Hồng Long được Bác thân mật tặng thuốc lá thơm... Một số phóng viên Thông tấn xã Việt Nam hiện nay còn giữ được những kỷ niệm quý về Bác: đó là bản tin phóng viên viết đã được Bác tự tay sửa lại tỉ mỉ, cẩn thận từ dấu chấm, dấu phẩy, từng cách đặt câu cho câu văn ngắn gọn, súc tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần chỉ bảo và truyền lại những kinh nghiệm quý về làm báo cho các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đó là: Phải nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng. Viết phải công bằng, đúng liều lượng. Đưa tin gọn thôi, đừng miêu tả. Không biết thì học. Học rồi sẽ biết. Đừng dại mà giấu dốt. Biết chữ còn phải biết nghĩa nữa...

Trước lúc đi xa, Bác còn nhận xét về bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của Việt Nam Thông tấn xã. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của Thông tấn xã Việt Nam. Và mặt sau của tờ Tin Tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã ngày 3/5/1969 đã ghi dấu bút tích đoạn mở đầu Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước lúc Người đi xa, về với cõi người hiền.

70 năm đã qua, nhưng những tình cảm, kỷ niệm sâu sắc Bác Hồ dành cho Thông tấn xã Việt Nam mãi mãi không phai nhạt. Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, nhân viên toàn ngành hôm nay đang tiếp tục phát triển Thông tấn xã Việt Nam xứng đáng là cơ quan phát ngôn chính thức của Chính phủ Việt Nam, trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, là hãng thông tấn quốc gia có uy tín trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục