Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh có 87 doanh nghiệp (chiếm 1,2% số doanh nghiệp đang hoạt động) phải cắt, giảm lao động, khiến trên 26,5 nghìn lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
Trong số đó, trên 17.000 lao động phải thôi việc, chấm dứt hợp đồng; hơn 2.200 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc không lương; 862 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 6.200 lao động bị giảm giờ làm.
Số lao động mất việc, giảm việc làm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may bị thiếu hoặc bị cắt giảm đơn hàng nên phải cắt giảm lao động hoặc cho lao động nghỉ luân phiên.
[Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm: Cần giải pháp đồng bộ]
Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng việc làm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, báo cáo tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm lao động, giảm giờ làm, tạm ngừng hoạt động, từ đó chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, việc sử dụng lao động và chi trả chế độ theo quy định của pháp luật đối với người lao động.
Đồng thời, ngành chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh và 20 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển đủ lao động theo nhu cầu phát triển sản xuất; đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người lao động, trong đó đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12.000 lao động, tăng 38% so với cùng kỳ.
Hiện Bắc Giang có trên 285.300 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 25.000 lao động, dự kiến 6 tháng cuối năm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động.
Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết để duy trì, thúc đẩy việc làm cho người lao động, thời gian tới ngành sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện một số giải pháp.
Trước mắt là hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào, tiếp cận nguồn vốn vay… để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.
Ngành tiếp tục nắm bắt tình hình thị trường lao động, thực hiện có hiệu quả việc kết nối cung, cầu lao động, nắm rõ nhu cầu thị trường cần những ngành nghề gì, số lượng bao nhiêu, trình độ lao động như thế nào để “việc cần người” và “người tìm việc” đến được với nhau.
Đối với những lao động bị mất việc, giảm việc làm, ngành sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tư vấn, hỗ trợ lao động đáp ứng điều kiện để cung ứng ngay cho doanh nghiệp thiếu lao động; hỗ trợ những lao động thiếu kỹ năng, tay nghề tham gia đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Về lâu dài, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là việc thu thập, cập nhật thông tin dữ liệu về thị trường lao động, thực hiện số hóa và kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức, trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo./.