Bắc Giang thu gần 7.000 tỷ đồng từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ

Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019; trong đó, thu từ vải thiều đạt khoảng 5.200 tỷ đồng.
Vải u hồng Thanh Hà chín rộ. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2020 của Bắc Giang đã khép lại, được mùa, được giá và tiêu thụ thuận lợi đã đem lại niềm vui cho những người trồng vải Bắc Giang.

Với sự chủ động, linh hoạt trong xúc tiến tiêu thụ của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang, cùng với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng quả vải, đáp ứng các thị trường khó tính đã đem đến cho Bắc Giang một mùa vải thiều thành công dù chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được trên 164.000 tấn vải thiều.

Theo đó, Lục Ngạn 93.200 tấn, Lục Nam 33.100 tấn, Tân Yên 16.000 tấn, Yên Thế 8.600 tấn, Lạng Giang 6.000 tấn, Sơn Động 5.400 tấn…

Giá bán vải thiều năm nay bình quân đạt 31.200 đồng/kg, cao gần bằng so với năm 2019 (31.800 đồng/kg). Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019. Trong đó, thu từ vải thiều đạt khoảng 5.200 tỷ đồng; thu từ dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.

[50 tấn vải thiều Việt Nam đã có mặt tại thị trường Singapore]

Về thị trường tiêu thụ vải thiều Bắc Giang cũng có sự chuyển dịch. Trước nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang đã đưa ra các kịch bản tiêu thụ phù hợp với tình hình. Trong đó, xác định đẩy mạnh tiêu thụ vải tại thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam. Chính vì vậy, năm nay sản lượng tiêu thụ vải ở thị trường trong nước đã tăng lên, chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu chiếm 47,5%.

Năm nay, thị trường tiêu thụ vải thiều cũng được mở rộng. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU)..., lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản - một thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Tuy sản lượng vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản còn ít (khoảng 200 tấn), nhưng đã mở ra một tín hiệu mới cho vải thiều Bắc Giang, góp phần nâng tầm giá trị quả vải.

Có được những kết quả đó, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn, trước hết là do chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng lên.

Với diện tích khoảng 28.000ha, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP không ngừng tăng qua các năm. Năm 2020 diện tích này là hơn 15.200ha, tăng khoảng 1.200ha so với năm 2019. Trong đó, 218ha được Mỹ cấp mã số IRADS; Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng, với diện tích 103ha.

Sản phẩm vải thiều được công nhận OCOP giới thiệu tại siêu thị. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Đặc biệt, để quảng bá quả vải thiều, khơi thông những ách tắc trong tiêu thụ quả vải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm thực hiện với các hội nghị xúc tiến trực tuyến.

Nổi bật năm nay, Bắc Giang đã tổ chức một hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều trực tuyến với điểm cầu chính tại Bắc Giang, 61 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và 4 điểm cầu tại các tỉnh của Trung Quốc với sự tham dự của trên 2.300 đại biểu tại các điểm cầu.

Hội nghị được đánh giá cao về sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại trong bối cảnh khó khăn, sự nguy hiểm của do dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, phải kể đến việc tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến tiêu thụ vải thiều của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang như Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã khẳng định “Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.”

Cùng với đó, năm nay lần đầu tiên quả vải Bắc Giang được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, qua đó góp phần đa dạng hóa kênh quảng bá, mua bán sản phẩm vải thiều tới các thị trường trong và ngoài nước.

Vụ vải năm nay, trên sàn thương mại điện tử vải thiều Lục Ngạn đã có 427.000 người tiếp cận, 345.000 người xem video giới thiệu vải thiều, 29.000 người tương tác bài viết, trên 2.500 tin nhắn trao đổi, 131 khách đặt mua hơn 2,1 tấn với giá bán trung bình là 64.700 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục