Ngày 25/5 như là một "cơn ác mộng" với Bắc Giang khi trong ngày đã ghi nhận tới 375 trường hợp mắc mới COVID-19 (một kỷ lục chưa từng ghi nhận tại các tỉnh) và liên tiếp những ngày sau đó và cho đến nay, số trường hợp mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tới con số hàng trăm.
Đợt dịch lần này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã Y tế nhấn mạnh khi đối phó với dịch ở Bắc Giang: “Đà Nẵng nhanh 1, trận này phải nhanh 10 mới chặn được. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa, sẽ điều quân các mặt trận về Bắc Giang. Cần bao nhiêu lại điều tiếp, nếu không sẽ không thể đủ sức kéo dài…”
Tín hiệu lạc quan sau những tháng ngày vất vả…
Hàng ngàn nhân viên y tế, lực lượng công an, bộ đội, dân phòng… hơn 1 tháng qua căng mình chống dịch tại Bắc Giang. Từ ngày dịch COVID-19 tại đây bùng phát, nhiều người không về nhà, là những đêm dài liên tục thức trắng để lấy mẫu xét nghiệm cho kịp, là sự truy vết khoanh vùng cách ly hay những y bác sỹ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh.
Trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh thành có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khoảng thời gian ngắn.
['Phấn đấu tháng 8 tiêm xong vaccine cho công nhân các khu công nghiệp']
Sau hơn 1 tháng cả nước chung tay, dồn mọi nguồn lực, nhiều kết quả đã từng bước được ghi nhận. Đến nay, các nguồn lây nhiễm tại tỉnh Bắc Giang đã được khoanh vùng, thu hẹp.
Những ngày qua, liên tiếp những ca bệnh nặng có tiến triển tốt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và đã có 2 ca trong tình trạng nặng được công bố khỏi bệnh.
Bác sỹ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ những tín hiệu đáng mừng đối với đội ngũ y bác sỹ điều trị là niềm vui khó nói thành lời khi nhiều bệnh nhân trong tình trạng “thập tử nhất sinh” đã được cứu sống.
Tối 11/6, bệnh nhân cuối cùng thở máy tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang là N.T.T.H (48 tuổi, quê Dĩnh Kế, Bắc Giang) đã được rút ống nội khí quản trong chiều 11/6. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn, tự ăn uống qua miệng.
Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần với quy mô 101 giường và chính thức tiếp nhận ca bệnh đầu tiên từ 5/6. Sáng 12/6, bác sỹ Nguyễn Tấn Hùng - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Đà Nẵng tại Bắc Giang thông báo ca thở máy đầu tiên tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc (Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang) đã cai máy thở, rút ống nội khí quản thành công.
Bác sỹ Nguyễn Tấn Hùng cho biết thêm một tín hiệu đáng mừng là hiện nay tại đây đang điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng đã lớn tuổi như 84 tuổi và 94 tuổi. Các bệnh nhân đều đang hồi phục tốt mà không cần đến oxy mặc dù ban đầu nhập viện hình ảnh chụp X-quang phổi của các bệnh nhân đều rất nặng và phải thở máy.
Tính riêng trong ngày 14/6, tỉnh Bắc Giang đã có 179 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh được xuất viện. Đây là ngày có số bệnh nhân ra viện nhiều nhất trong thời gian qua. Tính đến cuối giờ chiều 14/6 toàn tỉnh Bắc Giang đã có 988 bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện. Đặc biệt, có 274 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 205 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.
Cuộc tổng “tấn công” trên 3 mặt trận
“Phát súng” đầu tiên nổ ra vào ngày 8/5, khi tỉnh Bắc Giang phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên và sau hơn một tuần đã phát hiện hơn 400 ca F0, kéo theo đó số F1 tăng rất nhanh gây áp lực lớn về cách ly và điều trị. Ngày 25/5, Bắc Giang ghi nhận tới 375 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đến sáng 16/6, Bắc Giang ghi nhận 4.462 trường hợp mắc COVID-19.
Dịch từ một nhà máy, 1 khu công nghiệp đã lan ra các khu công nghiệp, địa phương khác trên địa bàn tỉnh và đã có ca xâm nhập vào một số tỉnh, thành khác xuất phát từ Bắc Giang.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện đã rà soát được 24.954 trường hợp F1, 93.489 trường hợp F2. Hiện Bắc Giang có khoảng 60.000 công nhân lao động tạm trú trên địa bàn, nhiều nhất là Lạng Sơn với trên 10.000 người.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái thẳng thắn: “Sau hơn một tháng tập trung toàn lực chống dịch COVID-19, đến nay, các nguồn lây tại Bắc Giang đã được khoanh vùng, thu hẹp. Hai nguồn lây chính hiện nay là tại một số nhà trọ đông công nhân trong khu vực phong tỏa thuộc địa bàn huyện Việt Yên và tại một số điểm cách ly tập trung ở các huyện (nơi tiếp nhận số công nhân ở huyện Việt Yên về). Số ca F0 tuy còn cao, song đều trong các khu vực phong tỏa và điểm cách ly tập trung.”
Ông Thái cho biết Bắc Giang đang tập trung triển khai kế hoạch cao điểm dập dịch xong trước ngày 21/6. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh và đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên cơ sở khoa học và phân tích thực tiễn.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa tỉnh Bắc Giang với các địa phương về phòng chống dịch COVID-19, ông Lê Ánh Dương Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang nhận định dịch bệnh tại địa phương đang được kiểm soát, tỉnh đang tập trung dập dịch bằng cách tấn công vào cả 3 mặt trận lớn.
“Mũi công” đầu tiên là chống dịch tại khu cách ly tập trung, các thôn, xóm có nhà trọ đông công nhân, trong đó chủ yếu ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, đồng thời chống lây nhiễm cộng đồng.
Mũi chiến lược thứ hai là việc phải quản lý cho chặt tại các khu cách ly tập trung. Các địa phương cần xác định đây là trận đánh lớn nếu không quyết tâm sẽ khó thành công, phải quyết liệt trong quản lý, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo.
Mặt trận thứ ba là tại các khu phong tỏa y tế, xóm trọ đông công nhân, cần phải giãn cách tối đa, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bắc Giang thực hiện nghiêm các chỉ thị 15, 16 theo quy định, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, nâng cao vai trò của tổ COVID cộng đồng; thực hiện 5K và xử phạt nghiêm các vi phạm...
Áp lực do gánh nặng kép
Qua lấy mẫu và phân tích giải trình tự gene về các ca bệnh tại tỉnh Bắc Giang cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan dịch ở Bắc Giang là biến chủng Delta ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ với chu kỳ lây nhiễm nhanh (thường là 3-4 ngày/chu kỳ). Sau 2-3 chu kỳ bệnh, nếu kiểm soát tốt, không để lây nhiễm chéo, chúng tôi hoàn toàn có thể dập dịch thành công.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch tại Bắc Giang có nhiều điểm khác biệt, dịch xảy ra ở khu công nghiệp, đặc biệt là tại nhà máy, số ca nhiễm tăng nhanh trong một thời gian rất ngắn. Do đó, Bắc Giang phải đặt trong trạng thái báo động ở mức độ cao nhất để kiểm soát thật tốt tình hình dịch.
Ngay khi phát hiện các ca bệnh trong khu công nghiệp, để ngăn chặn dịch bệnh COVID- 19 lây lan, tỉnh Bắc Giang đã phải đóng cửa tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn. Đây là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, không đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe cộng đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc đóng cửa các khu công nghiệp khiến kinh tế của tỉnh mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là thiệt hại hết sức nặng nề và không thể kéo dài lâu bởi sức chịu đựng của tỉnh, doanh nghiệp và công nhân có hạn. Trên địa bàn Bắc Giang hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Toyota, Honda, Samsung...
Thực tế trên đặt ra cho Bắc Giang một nhiệm vụ cấp bách là làm sao vừa chống dịch nhưng cũng phải nhanh chóng đưa sản xuất trở lại. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: Vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất. Khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát và khống chế, thì công tác đảm bảo an toàn trong các doanh nghiệp khi quay trở lại sản xuất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho hay tỉnh chỉ đạo tổ chức lại sản xuất với tinh thần “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” không để đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Lê Ánh Dương, ngay từ ngày đầu dịch bùng phát, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung cao nhất trong công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tỉnh đã bàn bạc, tính toán, lựa chọn phương án tốt nhất để vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sau bầu cử cũng là thời điểm Bắc Giang bước vào vụ thu hoạch vải thiều, với sản lượng lên đến trên 180.000 tấn, cùng với đó là nhiều sản phẩm nông sản khác của người dân đến thời điểm thu hoạch, cần tiêu thụ. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm với các kịch bản, phương án rất cụ thể, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong cả nước, việc tiêu thụ nông sản nói chung, tiêu thụ vải thiều nói riêng của tỉnh đến nay cơ bản thuận lợi cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh đang triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hiện nay đã có hàng trăm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại với tiêu chí “vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.”
Nhiều bài học “xương máu”
Khi dịch COVID-19 xảy ra trên quy mô lây lan dịch bệnh tại địa phương diễn ra nhanh trên diện rộng, Bắc Giang và Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế gặp phải không ít vấn đề nan giải. Đặc biệt do dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên số lượng công nhân có liên quan dịch tễ tại ổ dịch quá lớn, lên tới vài chục nghìn người, dẫn tới thực tế gây ra nhiều khó khăn trong việc tổ chức cách ly tập trung.
[Bắc Giang chấn chỉnh những hạn chế trong phòng, chống COVID-19]
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định: “Sau một thời gian được Bộ Y tế, các bộ, ngành hỗ trợ đến hiện tại Bắc Giang đã cơ bản được khống chế dịch. Cùng với sự chỉ đạo của Bộ, Bắc Giang đang xây dựng kế hoạch cao điểm dập dịch trong 14 ngày. Tính đến hiện tại, Bắc Giang chống dịch vững vàng, giai đoạn khó nhất, vất vả nhất đã qua. Công việc trước mắt là giữ vững đường đi nước bước để hoàn thành công tác dập dịch.”
Nhìn nhận lại công tác chống dịch thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang tổng kết lại và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cần khắc phục. Đó là công tác quản lý các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh có nơi còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng nhiều nơi để công dân từ phòng này sang phòng khác, thậm chí ở huyện Sơn Động còn để hai công dân trốn về nhà. Mật độ người/phòng còn quá dầy.
Ngoài ra, việc bố trí các khu vệ sinh, tắm giặt cho người cách ly chưa khoa học. Khi trong khu cách ly tập trung có ca F0, việc điều tra, truy vết những người tiếp xúc gần với F0 còn chưa triệt để…
Đáng lưu ý, trong công tác quản lý các khu vực cách ly xã hội ở một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm túc. Việc kiểm soát công dân ra/vào thiếu chặt chẽ, có nơi còn tổ chức tụ tập ăn uống đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhiều điểm cách ly vẫn để xảy ra tình trạng cho công dân ra khỏi khu cách ly tập trung khi chưa có kết quả xét nghiệm PCR, quản lý và bàn giao công dân đã hết thời hạn cách ly tập trung về cách ly tại nhà chưa đúng quy trình (ở khu cách ly xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam).
Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc,” Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có văn bản phê bình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn vì để ghi nhận 29 ca bệnh trong khu cách ly tập trung chỉ trong 2 ngày mà không có biện pháp khắc phục kịp thời. Theo đó, Chủ tịch Bắc Giang đã yêu cầu huyện Lục Ngạn phải có các biện pháp khắc phục ngay. Nếu còn để xảy ra tình trạng gia tăng ca mắc trong khu cách ly sẽ có hình thức kỷ luật nặng hơn.
Bí thư Dương Văn Thái cũng thừa nhận: “Dịch bùng phát tại các khu công nghiệp của Bắc Giang trong khi năng lực, nhân lực, vật lực của tỉnh còn nhiều hạn chế. Dịch bùng phát, lây lan nhanh, số lượng ca bệnh lớn, nên lúc đầu tỉnh hơi lúng túng. Khi đó chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các đơn vị. Ngày 16/5, Bộ Y tế đã đưa Bộ phận thường trực đặc biệt với các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực về giúp Bắc Giang.”
Có Bộ phận thường trực Bộ Y tế hỗ trợ, Bắc Giang đã vững tâm và có thể định hình được chiến lược, triển khai chống dịch rất bài bản. Những ngày sau đó, Bắc Giang giữ được bình tĩnh và triển khai chống dịch rất thần tốc trên các lĩnh vực: Khoanh vùng cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị...
Từ “ổ dịch” COVID-19 diễn ra tại Bắc Giang thời gian qua cho thấy khi dịch bệnh xảy ra trong các khu, cụm công nghiệp, lực lượng chức năng phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu, điều trị hàng nghìn ca bệnh…
Nhìn lại chặng đường đã và đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19, ô g Lê Ánh Dương thừa nhận khi dịch xảy ra trên địa bàn rộng, do năng lực xét nghiệm ban đầu yếu nên những ngày đầu tiên y tế của tỉnh đã không bắt kịp được tốc độ lây lan của dịch bệnh. Do đó, để bắt kịp, khống chế và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, các địa phương phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm.
Đây là bài học kinh nghiệm của Bắc Giang và cũng là hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh các địa phương có các khu công nghiệp tập trung cần sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản đối phó cũng như việc nâng cao năng lực toàn diện để tạo nên một hệ thống phòng thủ chắc chắn để chủ động chống lại COVID-19./.