Nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề này.
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare ICT (Vân Trung) cần tuyển khoảng 24.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Trong số đó, riêng tháng 8, Công ty có nhu cầu tuyển khoảng 10.000 lao động phổ thông để đáp ứng tiến độ sản xuất đơn hàng.
Trước thực tế công tác tuyển dụng còn gặp khó khăn, ngày 1/8, Công ty đã có văn bản đề nghị tỉnh Bắc Giang hỗ trợ, giúp đỡ tuyển dụng lao động để kịp tiến độ sản xuất.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare ICT cho biết công tác tuyển dụng đã được Công ty gấp rút thực hiện trong tháng 7, qua nhiều kênh, nhiều nguồn, song đến nay mới tuyển được 5.000 lao động, còn thiếu 5.000 lao động.
Công ty mong muốn Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu và tuyển dụng lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng lân cận. Công ty đảm bảo cung cấp cho người lao động môi trường làm việc an toàn, thực hiện đúng các chế độ lao động theo quy định pháp luật lao động.
[Chín tỉnh thành phía Bắc khát hàng chục nghìn công nhân điện tử]
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển mới khoảng 70.000 lao động.
Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare ICT, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn như Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải có nhu cầu tuyển dụng khoảng 24.500 lao động.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Newwing (Bắc Giang) cần tuyển dụng khoảng 13.000 lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Lens Việt Nam cần tuyển 3.000 lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn CE Link Việt Nam cần tuyển 1.000 lao động.
Mức lương các doanh nghiệp đưa ra dao động từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng, cùng các khoản phụ cấp như tiền ăn, tiền xăng xe, tiền ký túc xá.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Huế cho biết doanh nghiệp tiếp tục ký lại được đơn hàng hoặc ký mới được đơn hàng (chủ yếu là trong lĩnh vực điện tử).
Cùng với đó, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực từ thị trường lao động cho thấy thị trường này phục hồi.
Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà, nguyên nhân một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động là do các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn, cần tuyển trong thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong khoảng thời gian nhất định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động với sự tham gia của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhiều lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn.
Sở tổng hợp và thông báo khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc cung ứng lao động của Trung tâm Dịch vụ Việc làm, các doanh nghiệp dịch vụ việc làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để các doanh nghiệp chủ động trao đổi, ký hợp đồng dịch vụ việc làm.
Cùng với đó, Bắc Giang có văn bản gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc đề nghị chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm các tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến (online) để doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển chọn lao động của địa phương cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc thông báo, tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tận huyện, xã, vùng sâu, vùng xa.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Huế cho biết hỗ trợ doanh nghiệp tuyên dụng lao động, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, nhất là những huyện ở xa.
Riêng trong tháng 8, ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định, Trung tâm sẽ tổ chức thêm 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến và và lưu động. Ngày 14/8, Trung tâm sẽ tổ chức riêng một phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 15 tỉnh, thành phố trong khu vực để cung ứng lao động cho Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải.
Trung tâm tăng cường kết nối, tư vấn việc làm phù hợp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, khuyến khích người lao động sớm quay lại thị trường lao động; tiếp tục năm bắt và kết nối thông tin thị trường lao động của các tỉnh để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Để doanh nghiệp có thể tuyển đủ số lao động cần thiết và giữ chân được người lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Văn Hà đề xuất các doanh nghiệp sử dụng lao động cần quan tâm, nới rộng thêm về điều kiện tuyển lao động (như độ tuổi), thực hiện đúng thông tin tuyển dụng đã cam kết; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm từ lúc ký kết đến khi chấm dứt hợp đồng; cải cách thủ tục trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ cung ứng lao động.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm sử dụng lao động dài hạn; tăng cường cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, cải thiện năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động./.