Bắc Giang đẩy mạng tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước

Năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường nội địa, nhằm nâng tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường trong nước lên trên 60%.
Anh Vy Thanh Bình, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, thu hoạch vải sớm. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Anh Vy Thanh Bình, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, thu hoạch vải sớm. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Là tỉnh có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất toàn quốc, vải thiều Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn thế giới, việc tiêu thụ vải thiều năm nay dự báo gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Giang đã tích cực, chủ động khai thác tất cả các thị trường nhằm mang đến một mùa vải thành công.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay chất lượng vải thiều của Bắc Giang được đánh giá tốt nhất từ trước đến nay. Với hơn 28.000 ha vải, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn. Chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày được nâng cao.

Đến nay, Bắc Giang đã mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 14.000 ha, GlobalGAP lên 80 ha.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có hơn 200 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ và 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích 103 ha.

Khai thác triệt để thị trường trong nước

Hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ từ 40 đến 50% sản lượng vải thiều của Bắc Giang.

Với ưu thế hơn 90 triệu dân, và trước những khó khăn trong việc xuất khẩu vải, năm nay tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường nội địa, nhằm nâng tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường trong nước lên trên 60%.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, để đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa, Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp quảng bá sản phẩm.

[Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải quả tươi]

Ngay từ khi vải chưa được thu hoạch, Sở Công Thương đã đẩy mạnh hoạt động liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các tập đoàn phân phối, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân trong nước để trao đổi thông tin về mùa vụ, các điều kiện tiêu thụ vải. Thành lập chuyên trang về vải thiều Bắc Giang để quảng bá và tiêu thụ vải thiều.

Bắc Giang đẩy mạng tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước ảnh 1Gia đình chị Trần Thị Mỵ, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa thu hoạch vải sớm. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Bắc Giang cũng đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, thông qua các hoạt động hội chợ, kết nối với các tỉnh để quảng bá sản phẩm vải thiều đến rộng rãi với người dân. Trong đó, tỉnh tiếp tục thực hiện phân khúc thị trường tại các chợ đầu mối, các siêu thị, hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước.

Tỉnh cũng làm việc, phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để đưa vải thiều tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch trên cả nước, đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các trung tâm du lịch trọng điểm trên cả nước trong mùa du lịch cao điểm hè; trọng tâm là tổ chức giới thiệu, trưng bày và chào bán vải thiều chất lượng cao trong các sự kiện lớn về du lịch trong nước và quốc tế.

Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp, tập đoàn như Aeon, Central Group, Mega Market, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cùng các chợ đầu mối tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hệ thống phân phối bán lẻ tại các trung tâm, siêu thị lớn Co.opmart, Hapro, BigC... đã tham gia vào tiêu thụ vải cho Bắc Giang.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tươi, Bắc Giang khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất dây chuyền hiện đại, đẩy mạnh chế biến vải thiều tại chỗ như đóng hộp, ép nước, sấy khô...

Gỡ khó thị trường xuất khẩu

Hàng năm, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chiếm gần 60% tổng sản lượng. Trong đó Trung Quốc là thị trường truyền thống lớn nhất.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay các thị trường xuất khẩu vải của Bắc Giang đều gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang siết chặt các hoạt động thông quan để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch, nước ta cũng yêu cầu tất cả mọi người khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày dẫn đến việc khó khăn cho các thương nhân Trung Quốc khi vào thu mua vải thiều tại Bắc Giang.

Khắc phục khó khăn này, tỉnh Bắc Giang đã trình Chính phủ về việc cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều, dự kiến (khoảng 300 người) được phép nhập cảnh vào Việt Nam, qua cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều bằng visa du lịch.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Bắc Giang yêu cầu các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày gần nhất, do cơ quan y tế có thẩm quyền tại Trung Quốc xác nhận. Đồng thời khi sang Việt Nam, các thương nhân sẽ phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày theo quy định về phòng chống dịch tại Việt Nam.

Bắc Giang đẩy mạng tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước ảnh 2Sơ chế vải sớm để xuất sang Trung Quốc. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Ông La Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất tỉnh cho biết, đến nay đã có hơn 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều. Huyện cũng đã trưng dụng 20 khách sạn, nhà nghỉ, đảm bảo mọi điều kiện để phục vụ hoạt động cách ly thương nhân Trung Quốc.

Khi thương nhân Trung Quốc có lịch nhập cảnh vào Việt Nam, huyện sẽ bố trí phương tiện cùng cán bộ y tế, công an đón trực tiếp tại cửa khẩu và đưa về địa phương thực hiện cách ly.

Ông Nam cho biết thêm, nhằm tạo thuận lợi cho việc thông quan vải thiều, Bắc Giang đã làm việc với các cửa khẩu về việc tăng thời lượng thông quan, tạo các điều kiện thuận lợi về chế độ kiểm dịch, nhằm tạo một hành lang xanh cho tiêu thụ vải thiều.

Đối với việc khó khăn xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương tích cực làm việc với phía Nhật Bản chấp thuận việc tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).

Bên cạnh đó, năm nay thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tiếp ở các tỉnh, thành phố trong nước và Trung Quốc, năm nay tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến.

Điều này nhằm kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành, các Hiệp hội ngành hàng, siêu thị, chợ đầu mối, thương nhân trong nước. Đồng thời, kết nối với chính quyền và các doanh nghiệp, thương nhân phía Trung Quốc bàn biện pháp tốt nhất cho tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong điều kiện bị tác động bởi dịch COVID-19.

Hội nghị sẽ được tổ chức ngày 6/6, với 64 điểm cầu; trong đó, điểm cầu chính tại tỉnh Bắc Giang, 2 điểm cầu tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai; 59 điểm cầu tại VNPT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2 điểm cầu tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Trần Quang Tấn khẳng định, hội nghị được kỳ vọng là cầu nối cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng thu mua vải thiều tươi và các sản phẩm, chế phẩm từ quả vải, hỗ trợ nhân dân trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Cơ bản công tác chuẩn bị được triển khai chặt chẽ đồng bộ có sự phối hợp tích cực với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và phía nước bạn để đảm bảo hội nghị thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục