Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản được kiểm soát.
Từng là tâm dịch của cả nước với tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên tới hơn 5.700 trường hợp, nhưng những ngày gần đây, Bắc Giang ghi nhận rất ít ca mắc mới, thậm chí có ngày địa phương này không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Bắc Giang đang trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.
[Video] 102 doanh nghiệp ở Bắc Giang được hoạt động trở lại
Tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, quan tâm chống dịch hiệu quả, khôi phục sản xuất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn về nội dung này.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với địa phương như thế nào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Tính đến hết ngày 30/6/2021, toàn tỉnh có 481 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký đạt 6,822 tỷ USD.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp FDI đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ trong doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp đã có cách làm hay, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch như: yêu cầu 100% người lao động thực hiện khai báo y tế khi đến doanh nghiệp làm việc; bố trí lại tổ chức sản xuất theo hướng phân nhóm, chia nhỏ nhóm người lao động theo tổ, đội, dây chuyền sản xuất gắn với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát sự di chuyển của người lao động.
Bên cạnh đó, yêu cầu người lao động ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, điển hình như các doanh nghiệp trong Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải.
Khi dịch bùng phát mạnh, Bắc Giang buộc phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (Quang Châu, Vân Trung, Song Khê-Nội Hoàng và Quang Châu) để hạn chế sự lây lan dịch bệnh và tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp theo mô hình “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” đã được các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI chấp hành và tích cực phối hợp, đồng hành cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; chủ động tổ chức lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đảm bảo an toàn với nguy cơ lây nhiễm dịch; chăm lo đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp đang bị phong tỏa trong tâm dịch.
Điều này đã góp phần tích cực cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ kiểm soát, dập dịch.
Cùng với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch ngay trong nội bộ doanh nghiệp mình, nhiều doanh nghiệp FDI đã hỗ trợ Bắc Giang về cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải đã bố trí khu nhà ở xã hội do Tập đoàn đầu tư làm khu cách ly F1; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare bố trí khu ký túc xá công nhân cho tỉnh làm Bệnh viện dã chiến.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã ủng hộ Bắc Giang máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 gần 10 tỷ đồng. Đây là những đóng góp không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Giang vừa qua.
- Chính quyền tỉnh Bắc Giang áp dụng những biện pháp gì để đảm bảo không gián đoạn các hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh?
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Cùng thời điểm quyết định tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang đã triển khai ngay công tác đánh giá thực trạng công tác phòng, chống dịch, nguy cơ lây nhiễm tại doanh nghiệp sản xuất để lên kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp theo mô hình mới, đó là “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất.”
Trong thời điểm dịch COVID-19 “nóng,” Bắc Giang không thực hiện cho đồng loạt hoạt động trở lại mà theo thứ tự ưu tiên: doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiếu yếu, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo mô hình này, doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động đã được xét nghiệm sàng lọc đảm bảo âm tính với SARS-CoV-2; bố trí cho người lao động ở trong doanh nghiệp và nơi lưu trú tập trung của doanh nghiệp; người lao động di chuyển từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại được bố trí phương tiện cố định đưa đón, đảm bảo tách biệt với bên ngoài.
Bên cạnh đó, bố trí sản xuất theo nguyên tắc phân nhỏ nhóm người lao động và có sự tách biệt giữa các nhóm, bộ phận, khu vực sản xuất để nếu có xảy ra nguy cơ nhiễm dịch thì có thể nhanh chóng khoanh vùng, cách ly theo nhiều cấp độ, vòng tuyến để các bộ phận, khu vực, doanh nghiệp khác không bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp bố trí cán bộ y tế và thành lập các tổ an toàn COVID-19 gắn với các tổ, nhóm, bộ phận, khu vực sản xuất; thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực tiễn đã chứng minh mô hình này rất hiệu quả, vừa giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI; đồng thời góp phần tích cực trong việc nhanh chóng kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Vừa qua, địa phương phát hiện ca mắc tại 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động là do thông qua công tác xét nghiệm sàng lọc đầu vào và xét nghiệm tầm soát.
Do chủ động có phương án và việc bố trí phân nhỏ, tách biệt nhóm người lao động nên Bắc Giang đã nhanh chóng truy vết, kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm, mức độ ảnh hưởng rất nhỏ. Các khu vực sản xuất khác của doanh nghiệp và doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp không bị ảnh hưởng, vẫn duy trì hoạt động sản xuất.
Tính đến hết ngày 5/7/2021, có 160 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại, với trên 60.000 lao động làm việc trở lại.
Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo khôi phục sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại dịch vụ; thành lập các tổ công tác để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hằng ngày, Ban Chỉ đạo và các tổ công tác thực hiện kiểm điểm công việc, kịp thời điều chỉnh linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Để giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh tại các doanh nghiệp, Bắc Giang đã thành lập Bộ phận y tế thường trực tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Bộ phận này hoạt động rất hiệu quả, phản ứng nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh liên quan đến dịch COVID-19.
Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, Bắc Giang đang tập trung cao đưa lao động trở lại doanh nghiệp làm việc, đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ khâu xét nghiệm, sàng lọc đảm bảo người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bắc Giang sắp xếp nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung thực hiện để hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ trong đơn vị, những công việc không thực hiện được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai, đảm bảo trong mọi tình huống xảy ra, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mô hình “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” là mô hình mới, tỉnh Bắc Giang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để phù hợp với từng trạng thái phòng, chống dịch và thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.