Bác đề nghị bỏ quy định lao động nữ nghỉ 30 phút trong ngày 'đèn đỏ'

Đại diện doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động đã đưa ra các đề xuất bãi bỏ một số quy định trong Bộ Luật Lao động sửa đổi có tính chất bảo vệ thai sản vì ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bác đề nghị bỏ quy định lao động nữ nghỉ 30 phút trong ngày 'đèn đỏ' ảnh 1Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang giữ nguyên các quy định bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với lao động nữ. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Ngày 16/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số hiệp hội doanh nghiệp về góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Đại diện doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động đã đưa ra các đề xuất bãi bỏ một số quy định trong Bộ Luật Lao động sửa đổi có tính chất bảo vệ thai sản vì ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện VCCI đã đề nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 139 của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về lao động nữ trong thời gian “đèn đỏ” (hành kinh) được nghỉ mỗi ngày 30 phút hoặc sửa đổi thành lao động nữ trong độ tuổi còn hành kinh được hỗ trợ bằng tiền do Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ này.

Theo VCCI, quy định lao động nữ trong thời gian “đèn đỏ” được nghỉ mỗi ngày  30 phút trên thực tế đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng lao động nữ là chủ yếu. Điển hình như đối với những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản hay dệt may, quy định này là không phù hợp với điều kiện làm việc đặc thù. Do số lượng lao động nữ quá cao khi áp dụng quy định này gây nên sự bất ổn toàn hệ thống dây chuyền sản xuất mà xét về bản chất thì việc lao động nữ trong thời kỳ “đèn đỏ” là vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường.

Trong khi đó, chỉ cần phát hiện vi phạm một nội dung quy định về lao động thì toàn doanh nghiệp sẽ bị đánh giá không đạt, mất đơn hàng. Do đó, doanh nghiệp có thể phải giảm số lượng lao động nữ mặc dù không mong muốn vì những khó khăn khi áp dụng quy định này.

Trước đề xuất này, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng các quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có Bộ Luật Lao động đến nay, trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi của người lao động và bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với lao động nữ.

[Thiên chức làm vợ cản trở phụ nữ tham gia vào thị trường lao động]

Về xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, đại diện VCCI đề nghị bỏ trường hợp lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ra khỏi các trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị giữ như dự thảo vì đây là những quy định tiến bộ về lao động nữ và người lao động nói chung trong Bộ Luật Lao động.

“Thông qua việc bảo đảm cho người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ nhằm ổn định công việc và ổn định thu nhập cho người lao động, từ đó bảo vệ cho đứa trẻ của người lao động có được điều kiện phát triển tốt hơn,” đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục