Theo politico.com, các nhà lãnh đạo của Mỹ và thế giới có cơ hội xây dựng một hệ thống quốc tế hoạt động cho kỷ nguyên này. Nhưng họ phải tránh những sai lầm trong quá khứ.
Các trật tự quốc tế hiếm khi thay đổi một cách đáng kể. Giống như thành Rome đã không được xây dựng trong một ngày, nền hòa bình La Mã không phải là một giai đoạn thoáng qua: nó tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Trật tự hình thành từ Hội nghị Vienna năm 1815 đã không hoàn toàn sụp đổ cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914.
Nhưng trong những khoảnh khắc hiếm hoi, niềm tin vào trật tự cũ sụp đổ và nhân loại chỉ còn một khoảng trống.
[Đại dịch COVID-19 - phép thử đối với chủ nghĩa đa phương]
Chính trong thời gian này, các trật tự mới đã ra đời - các tiêu chuẩn, hiệp ước và thể chế mới xuất hiện để xác định cách các quốc gia tương tác với nhau và cách các cá nhân tương tác với thế giới.
Gây xáo trộn toàn cầu sâu sắc nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) là một khoảnh khắc như vậy.
Trật tự thế giới sau năm 1945 đã ngừng hoạt động. Theo một trật tự lành mạnh, chúng ta sẽ mong đợi ít nhất là những nỗ lực thiện chí trong sự phối hợp quốc tế để đối đầu với một loại virus không phân biệt biên giới.
Cho dù chúng ta có thích hay không, một trật tự mới sẽ xuất hiện khi đại dịch thoái trào. Các nhà lãnh đạo Mỹ nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng trật tự hậu COVID-19 được trang bị để giải quyết các thách thức của thời đại sắp tới.
Giờ là thời điểm để hành động, và các nhà lãnh đạo Mỹ có một cơ hội thường xuất hiện chỉ một hoặc hai lần trong một thế kỷ: Họ có thể xây dựng một trật tự thực sự hiệu quả cho thời đại của chúng ta, một trật tự chống biến đổi khí hậu, chống đe dọa an ninh mạng và xử lý những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng, đồng thời cho phép những thành quả của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ được chia sẻ rộng rãi hơn.
Hãy xem xét những bài học từ hai nỗ lực lớn nhất của Mỹ để thiết lập các trật tự quốc tế, vào năm 1919 sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và năm 1945 sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trật tự sau năm 1919 được đánh dấu bởi cuộc Đại suy thoái, sự trỗi dậy của chế độ toàn trị và cuối cùng là một thảm họa thậm chí còn tàn khốc hơn Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ngược lại, trật tự sau năm 1945 đã dẫn đến hơn 7 thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, trong đó những tổn thất sinh mạng do chiến tranh đã giảm mạnh và GDP thế giới tăng gấp ít nhất 80 lần.
Làm thế nào Mỹ có thể tránh được những sai lầm của thời kỳ hậu 1919 và tái hiện những thành công sau năm 1945? Có ba yếu tố chính quyết định điều đó.
Đầu tiên, các nhà lãnh đạo Mỹ nên lập kế hoạch cho trật tự mới ngay bây giờ vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Khi Tổng thống Woodrow Wilson đến Hội nghị Hòa bình Paris hồi tháng 1/1919, hai tháng sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn chưa có nguyên tắc cốt lõi nào của trật tự sau chiến tranh được thống nhất.
Do đó, các cuộc thảo luận của quân đồng minh đã bị hủy hoại bởi các chương trình nghị sự mâu thuẫn, dẫn đến một hiệp ước không có khả năng xử lý các vấn đề tiếp theo đó của thế giới.
Ngược lại, Tổng thống Franklin Roosevelt đã bắt đầu lên kế hoạch cho thỏa thuận sau Chiến tranh thế giới thứ hai thậm chí trước khi Mỹ tham chiến.
Mỹ và Anh đã công bố Hiến chương Đại Tây Dương, trong đó nêu rõ các mục tiêu của họ cho trật tự sau chiến tranh, hồi tháng 8/1941, bốn tháng trước trận Trân Châu Cảng.
Hội nghị Bretton Woods, trong đó phác thảo hệ thống kinh tế sau chiến tranh, diễn ra vào tháng 7/1944. Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, các nguyên tắc của trật tự mới đã được thiết lập rõ ràng, cho phép các đồng minh tập trung vào các chi tiết quan trọng của việc thực hiện.
Virus corona sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta lâu hơn chúng ta tưởng, nhưng không phải là mãi mãi - và khi khủng hoảng qua đi, khuôn khổ của trật tự mới sẽ nhanh chóng hình thành.
Để đảm bảo rằng “cơ hội trong chớp mắt” được tận dụng tốt và không bị bỏ lỡ do tranh cãi, các nhà lãnh đạo thế giới và Mỹ nên bắt đầu hợp tác ngay từ bây giờ để xây dựng các nguyên tắc.
Sẽ thật ngu ngốc khi trông đợi Tổng thống Donald Trump, người đã góp phần khiến trật tự quốc tế ngày nay không hoạt động, dẫn đầu kế hoạch thiết lập một trật tự mới.
Chúng ta có thể phải chờ một tổng thống có tư tưởng quốc tế cởi mở hơn để thành lập các thể chế của trật tự mới. Nhưng sự hiện diện của Trump không có nghĩa là sự tiến bộ có giá trị không thể xảy ra trong thời gian này.
Các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng - đặc biệt là các nhà lãnh đạo trẻ, những người mà cuộc sống sẽ mở ra sau đại dịch, nên khẩn trương bắt đầu đề xuất, tranh luận và tập hợp xung quanh các mục tiêu cho trật tự hậu COVID-19.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, chẳng hạn như tương lai của Liên hợp quốc, chúng ta phải liên kết với các mục tiêu cơ bản. Chúng ta có lẽ còn hơn một năm nữa kể từ buổi bình minh của trật tự mới, và một cuộc chạy đua về ý tưởng, trong đó nền tảng trí tuệ của hệ thống được củng cố, sẽ đi trước bất kỳ sự đổi mới nào về thể chế.
Các thành viên Quốc hội, các nhà lãnh đạo trong các tổ chức dân sự và doanh nghiệp, và các học giả nên noi gương các chuyên gia y tế, những người đã cộng tác trong tất cả các loại diễn đàn - từ các tạp chí y khoa đến Twitter - để thiết kế các chiến lược điều trị COVID-19.
Và họ nên biết rằng bất kỳ nguyên tắc nào họ đề xuất cuối cùng có thể có ý nghĩa lớn hơn: Cả hai trật tự sau năm 1919 và sau năm 1945 đều bắt nguồn từ những tuyên bố đơn giản - Tuyên bố 14 điểm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Hiến chương Đại Tây Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai - đã không giành được sự ủng hộ rộng rãi cho đến nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi chúng được đưa ra.
Cách thứ hai mà các nhà lãnh đạo Mỹ có thể học hỏi từ quá khứ là tránh trò chơi đổ lỗi. Những người thảo kế hoạch cho trật tự hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất, mà đứng đầu là Tổng thống Pháp Georges Clemenceau, đã mặc định đổ lỗi, buộc Đức phải chấp nhận “tội lỗi chiến tranh,” phải nhượng bộ lãnh thổ và trả tiền bồi thường.
Những điều khoản này đã gây ra sự phẫn nộ, thúc đẩy Đức Quốc xã trỗi dậy và lên nắm quyền. Ngược lại, các kiến trúc sư của trật tự sau năm 1945 tập trung vào tương lai, cam kết tái thiết nước Đức thành một nền dân chủ thịnh vượng - mặc dù thực tế là nước Đức rõ ràng có lỗi khi phát động Chiến tranh thế giới thứ hai hơn là Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Nước Đức ngày nay, một tấm gương tự do và trung thành với đồng minh Mỹ, là minh chứng cho sự khôn ngoan của chính sách đó.
Bất chấp những thôi thúc để tìm ra "vật tế thần" cho một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của nhiều người Mỹ hơn Chiến tranh Việt Nam, các nhà lãnh đạo Mỹ nên hào phóng hỗ trợ các nỗ lực phục hồi hậu COVID-19 trên toàn thế giới.
Mặc dù Bắc Kinh chắc chắn bị đổ lỗi vì bưng bít các thông tin ban đầu về virus corona, song Mỹ và thế giới sẽ có lợi hơn nhiều bằng cách củng cố hệ thống y tế cộng đồng của Trung Quốc hơn là tìm cách trừng phạt hoặc làm bẽ mặt Bắc Kinh thông qua các tuyên bố phân biệt chủng tộc vô cảm.
Không nơi nào sự hào phóng quan trọng hơn trong cuộc đua chấm dứt đại dịch bằng các liệu pháp mới và cuối cùng là vắcxin.
Thay vì "tích trữ" những lợi ích của những đột phá như vậy (như chính quyền Trump gợi ý họ có thể làm được khi cố gắng mua chuộc một công ty vắcxin của Đức), Mỹ nên dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu để phát triển, thử nghiệm, sản xuất và cung cấp các loại thuốc này càng nhanh và trên quy mô rộng càng tốt.
Hơn tất cả, vai trò của Mỹ trong việc chấm dứt đại dịch sẽ quyết định quyền lực về mặt đạo đức mà họ phải có để định hình thế giới hậu COVID-19.
Mỹ cũng nên hào phóng trong việc hỗ trợ các thể chế của trật tự mới. Washington đã chi tới 2.000 tỷ USD để kéo nước Mỹ khỏi vực thẳm COVID-19, và những hậu quả sẽ tới sau đó.
Những gói chi tiêu này trích từ ngân sách dành cho đối ngoại trị giá 56 tỷ USD, bao gồm cả Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế, hỗ trợ nước ngoài và đóng góp cho các tổ chức quốc tế.
Nếu đã từng có một cuộc khủng hoảng cho thấy lý do tại sao “phòng ngừa hơn chữa bệnh” thì đó là: Mỹ nên tài trợ cho các tổ chức của trật tự mới để họ có khả năng đẩy lùi cuộc khủng hoảng tiếp theo trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cuối cùng, trật tự mới phải dựa trên sự đồng thuận trong nước. Wilson không tính đến một đảng Cộng hòa mạnh trong phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Hòa bình Paris, loại bỏ không chỉ những người theo chủ nghĩa biệt lập mà cả những người theo chủ nghĩa quốc tế ôn hòa mà ông có thể đã tìm thấy tiếng nói chung.
Cuối cùng, Thượng viện đã bác bỏ Hiệp ước Versailles, với tỷ lệ 53 phiếu chống và 38 phiếu thuận, và Mỹ không bao giờ gia nhập Hội quốc liên, tiền thân của Liên hợp quốc.
Franklin Roosevelt và Harry Truman đã học được từ sai lầm của Wilson, sớm tập trung vào việc xây dựng sự hỗ trợ cho trật tự sau năm 1945.
Khi Hiến chương Liên hợp quốc được đệ trình lên Thượng viện, nó đã nhận được "chiến thắng" áp đảo, 89 phiếu thuận và chỉ có 2 phiếu chống.../.