Ba yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định

Theo trang mạng vietnam-briefing.com, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh là 3 yếu tố chính giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo trang mạng vietnam-briefing, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh là 3 yếu tố chính giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Trong bài viết "Bất chấp những thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phát triển nhanh," trang vietnam-briefing nêu rõ không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khả quan trong thời kỳ đại dịch, tăng trưởng 2,6% vào năm 2021. Trong bài phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt kỳ vọng trong năm nay với mức tăng GDP là 8%.

Vậy điều gì đang giữ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và đạt được những con số tăng trưởng tích cực? Theo trang vietnam-briefing, có ba yếu tố chính gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh.

Về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã đầu tư khoảng 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cơ sở hạ tầng - một trong những mức đầu tư cao nhất trong khu vực ASEAN.

Trong khoản chi tiêu này, có một số hạng mục đầu tư lớn như đường cao tốc Bắc-Nam đoạn từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh; sân bay quốc tế Long Thành để thay thế sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải; các dự án tàu điện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các nhà máy nhiệt điện và điện rác...

Dù cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thiếu sót, nhiều nhà máy vẫn sử dụng công nghệ cũ nhưng chính phủ Việt Nam đã cam kết thay đổi điều này và công bố nhiềuưu đãi cho các ngành công nghệ cao.

Về môi trường thương mại, trong những năm qua, Việt Nam tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu với việc đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại song phương với các nước trên thế giới.

Là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà khối đã ký kết, tạo điều kiện để phát triển thành trung tâm sản xuất và mở rộng mạng lưới xuất khẩu.

Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và quyền của người lao động được đảm bảo trong các hiệp định này sẽ cho phép Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và mở rộng cơ sở xuất khẩu.

FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19, FTA giữa Anh-Việt Nam (UKVFTA) giúp kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 6,6 tỷ USD.

[Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt xa phần còn lại của châu Á]

Mức tăng tương tự cũng được ghi nhận với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thể hiện qua giá trị xuất khẩu sang Canada và Mexico.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cởi mở, Chính phủ có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư . Điều này đã được thực hiện dễ dàng hơn thông qua số lượng FTA ngày càng tăng của Việt Nam.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mức lương cạnh tranh. Trong khi Việt Nam vẫn cần phát triển lực lượng lao động lành nghề, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, năng động sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam chuyên ngành khoa học và kỹ thuật và Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật nhất.

Bất chấp những thách thức, tăng trưởng dài hạn của Việt Nam vẫn ổn định và có đủ yếu tố thúc đẩy để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tìm đến. Việt Nam đã nhận được 17,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoại (FDI) trong 10 tháng đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Phòng Thương mại châu Âu, FDI vào Việt Nam tăng lên cũng đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này nhờ môi trường thương mại và lao động của Việt Nam cho dù các nhà máy không hoạt động vì nhu cầu giảm ở các thị trường phương Tây, từ dệt may, da giày đến đồ nội thất.

Do vậy, trang vietnam-briefing nhận định rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn ngay cả khi căng thẳng địa chính trị vẫn diễn ra. Trong ngắn hạn, chi phí có thể tăng lên, nhưng các nhà đầu tư dài hạn sẽ gặt hái được những thành quả to lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục