Bà Yellen khẳng định đóng góp của Fed đối với kinh tế Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã tranh luận về vai trò của Fed trong việc phục hồi nền kinh tế Mỹ, các quy định ngân hàng và sự tham gia của Fed vào các tổ chức quốc tế.
Bà Yellen khẳng định đóng góp của Fed đối với kinh tế Mỹ ảnh 1Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong cuộc điều trần căng thẳng kéo dài gần bốn giờ đồng hồ trước Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện ngày 15/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã tranh luận về vai trò của Fed trong việc phục hồi nền kinh tế Mỹ, các quy định ngân hàng và sự tham gia của Fed vào các tổ chức quốc tế.

Bà Yellen đã khẳng định vai trò của Fed trong việc đưa nền kinh tế Mỹ hồi phục sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái, qua việc tăng trưởng việc làm mạnh và thu nhập tăng.

Khi các nghị sỹ nói rằng, kể từ Thế chiến thứ II, chỉ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thì nền kinh tế Mỹ mới không đạt mức tăng trưởng 3% trong bất kỳ quý nào, bà Yellen khẳng định nền kinh tế đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng.

Không rõ các nghị sỹ đã dẫn ra số liệu GDP nào, nhưng số liệu chính thức của Cơ quan phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận, bảy quý trong tám năm nắm quyền của ông Obama có mức tăng trưởng trên 3% và mức tăng trưởng hàng năm cao nhất là 2,6% vào năm 2015.

Bà nêu bật việc tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,8% và 16 triệu việc làm được tạo ra kể từ tháng 2/2010.

Bà nói, Fed đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả, và tin rằng đang ở rất gần các mục tiêu này.

Theo bà, kinh tế Mỹ đã hồi phục nhanh hơn các nền kinh tế châu Âu vẫn đang khắc phục hậu quả của khủng hoảng.

Tuy nhiên, bà Yellen thận trọng nói rằng Fed không có trong tay giải pháp cho mọi vấn đề của nền kinh tế và kêu gọi Quốc hội xây dựng các quy định nhằm làm tăng năng suất để từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Theo bà, có những hạn chế trong quyền hạn của Fed như về giải quyết vấn đề tăng trưởng thu nhập thấp đã tồn tại từ những năm 1980 và bất bình đẳng thu nhập.

Cũng trong cuộc điều trần này, bà Yellen phản đối ý kiến của hạ nghị sỹ Patrick McHenry của đảng Cộng hòa của bang North Carolina, người đã hối thúc Fed dừng các cuộc đàm phán với các tổ chức quốc tế.

Bà cho rằng sự tham gia của Fed vào Ủy ban ổn định tài chính và Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng là một phần trách nhiệm giám sát của Fed mà Quốc hội đã quy định.

Trong một lá thư gửi tới bà Yellen vào ngày 31/1, ông McHenry đã kêu gọi Fed dừng việc tham gia "không thể chấp nhận" ở các diễn đàn quốc tế về quy định tài chính, khi ông Trump phát đi một thông điệp rõ ràng về ưu tiên lợi ích của người Mỹ trong các cuộc đàm phán quốc tế.

Ông nói cơ cấu của các tổ chức này không được công bố rõ ràng và cần được đánh giá lại.

Phản hồi lá thư này, bà Yellen vào ngày 10/2 đã nhấn mạnh Bộ Tài chính cũng tham gia các hội nghị quốc tế, nơi mà Mỹ có thể tham gia xây dựng các tiêu chuẩn theo cách có lợi cho sự ổn định tài chính của Mỹ và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.

Bên cạnh đó, trong cuộc điều trần, bà Yellen đã phản đối đề xuất của các hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa về những thay đổi trong cách thức hoạt động của Fed và cách thức giám sát hệ thống ngân hàng quốc gia.

Bà cho rằng một ngân hàng trung ương độc lập có thể tập trung vào thúc đẩy nền kinh tế trong dài hạn, tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi hơn.

Theo bà, đạo luật Dodd-Frank cần được sửa đổi, quy định đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, cần được nới lỏng, nhưng quy định về tăng vốn đối với các ngân hàng lớn nhất cần được duy trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục