Ba vấn đề nóng sẽ được Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Tình hình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, công tác quản lý chất lượng đào tạo đại học và đổi mới thi cử là ba vấn đề nóng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tình hình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, công tác quản lý chất lượng đào tạo đại học và đổi mới thi cử là ba vấn đề nóng sẽ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội vào ngày mai, 16/11.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Chậm tiến độ

Thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trên, ngành giáo dục đã đưa ra rất nhiều đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; thực hiện phân luồng học sinh để định hướng nghề nghiệp; đề án về đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng giáo viên; đề án về phân tầng giáo dục đại học…

Trong đó, vấn đề sẽ được Quốc hội đưa ra chất vấn gồm tình hình thực hiện đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và việc thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp.

Theo lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu từ năm 2018 với các lớp học đầu cấp là lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phải chính thức thừa nhận ngành đang bị chậm trong triển khai và kế hoạch này sẽ khó có thể thực hiện đúng lộ trình.

Hiện khung chương trình giáo dục mới vẫn đang chỉ là bản thảo và gặp rất nhiều tranh cãi. Sau khi hoàn thiện khung chương trình, các đơn vị mới có cơ sở để viết sách giáo khoa. Ngành giáo dục cũng chưa tìm được tổng chủ biên cho bộ sách của mình.

Việc phân luồng học sinh cũng chưa được thực hiện bài bản và chưa có những hiệu quả rõ rệt. Dù một số năm gần đây, đã có những chuyển biến nhất định trong xu hướng học tập của học sinh như tỷ lệ học sinh theo học đại học giảm đi, số lượng học trường nghề nhiều lên.

Tuy nhiên, những chuyển dịch này còn ít và thường do người học tự nhận thấy thực tiễn lao động đại học thất nghiệp hơn là từ sự hướng nghiệp, phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lực lượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học quá mỏng

 

Vấn đề thứ hai sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn là công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý. Các giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.

Đây cũng là vấn đề đau đầu của ngành giáo dục trong nhiều năm qua và vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, với số lượng 220 trường đại học hiện nay, để quản lý được chất lượng là không đơn giản, nhất là trong điều kiện lực lượng kiểm định chất lượng của Bộ còn rất mỏng.

Bên cạnh Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ, cả nước mới chỉ có 4 trung tâm kiểm định chất lượng. Trong đó có ba trung tâm thuộc các trường đại học lớn gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và một trung tâm thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, các trung tâm này mới chỉ công bố kiểm định chất lượng được duy nhất một trường là Đại học Giao thông Vận tải.

Giáo dục luôn là vấn đề nóng được người dân đặc biệt quan tâm. (Ảnh: TTXVN)

Mặt khác, theo yêu cầu, các trung tâm phải là những đơn vị độc lập mới đảm bảo tính khách quan. Vì thế, việc các trung tâm của Việt Nam đều thuộc các trường đại học đã làm giảm tính khách quan cần có.

Nhưng xét theo điều kiện thực tế, ở Việt Nam cũng chưa có đủ nhân lực có chuyên môn về vấn đề kiểm định để có thể có trung tâm độc lập.

Khi việc kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai thì việc phân tầng các tầng, xếp hạng các trường đại học vẫn còn ở thì tương lai vì phải chờ kết quả kiểm định.

Việc quản lý đại học gắn với quy hoạch, dự báo, sử dụng nguồn nhân lực cũng là vấn đề không mới mà được đặt ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, không có nhiều chuyển biến do liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương.

Hiện ngành giáo dục đã có chủ trương không tăng quy mô trường sư phạm. Ngành y tế cũng vào cuộc mạnh mẽ hơn trong quản lý chất lượng đào tạo nhân lực ngành y. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã hạn chế mở các ngành đào tạo khối kinh tế và cảnh báo thí sinh về tình trạng dư thừa nhân lực ngành này.

Bức xúc với đổi mới thi cử

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, quản lý chất lượng giáo dục đại học đều là những vấn đề nóng luôn được dư luận quan tâm của ngành giáo dục.

Nhưng vấn đề nóng nhất với ngành là việc đổi mới thi cử, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục có những đổi mới trong kỳ thi quan trọng này.  

Năm 2015 Bộ chính thức bỏ kỳ thi đại học và lần đầu tiên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, lấy kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học. 

Năm 2016, Bộ điều chỉnh trong việc xét tuyển đại học khi cho phép thí sinh nộp hồ sơ cùng lúc vào hai trường đại học với 4 ngành khác nhau.

Năm 2017, Bộ tiếp tục có thay đổi lớn khi tổ chức kỳ thi từ 4 như các năm trước lên 6 môn. Hình thức thi thay đổi khi xuất hiện bài thi tổ hợp gộp môn. Các môn Toán, Địa lý, Lịch sử chuyển từ thị tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào danh sách thi tốt nghiệp. 

Những thay đổi liên tục của ngành giáo dục khiến do dư luận bức xúc, nhất là khi mỗi năm lại phát sinh các hệ quả tiêu cực ảnh hưởng đến thí sinh, phụ huynh.

Năm 2015, việc cho thí sinh rút hồ sơ đã gây nên cảnh “vỡ trận” ở các trường đại học lớn khi hàng nghìn thí sinh, phụ huynh nhốn nháo rút, nộp hồ sơ trong những ngày cuối đợt xét tuyển. 

Năm 2016, việc cho thí sinh nộp hồ sơ vào hai trường cùng lúc đã gây nên tình trạng thí sinh ảo khó kiểm soát. Nhiều trường tuyển thiếu chỉ tiêu trong khi nhiều thí sinh tiếc ngẩn ngơ vì không vào học đúng ngành, trường mình yêu thích.

Trước những bức xúc này của người dân, ngày mai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải giải trình việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Các đại biểu cũng sẽ chất vấn giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục