Chính phủ Indonesia đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế dài hạn thông qua an ninh năng lượng, số hóa và công nghiệp hóa tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Thomas Djiwandono cho biết: "Ba chủ đề này đóng vai trò là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn và đó là lúc chúng ta cần xem xét các động lực tăng trưởng."
Ông Thomas nói thêm rằng Tổng thống Prabowo sẽ mở rộng trọng tâm kinh tế sang các lĩnh vực khác để duy trì sức hấp dẫn của Indonesia đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Bộ Tài chính đang tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như là nguồn tăng trưởng tiềm năng mới, bao gồm cơ sở hạ tầng, du lịch và số hóa.
Về mục tiêu tài chính, Chính phủ đặt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới 3%, với mục tiêu thâm hụt năm tới được đặt ở mức 2,53%. Hiện tại, các nỗ lực tập trung vào việc tạo cơ hội việc làm cho thanh niên và phát triển động lực tăng trưởng mới để hỗ trợ tầng lớp trung lưu.
Bộ Tài chính dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,1% vào cuối năm 2024, thấp hơn một chút so với mục tiêu 5,2% được nêu trong ngân sách nhà nước năm 2024, nhưng cao hơn mức 5,05% được ghi nhận vào năm 2023. Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý 2/2024 đạt 5,05%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia, dự báo trung bình 5,1% mỗi năm từ năm 2024 đến năm 2026. Bản sửa đổi này đánh dấu sự gia tăng so với dự báo trước đó là 4,9% cho cả năm 2024 và 2025.
Tổng thống Prabowo Subianto đang đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 8% trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống./.
Indonesia đặt mục tiêu phát triển thêm 3 triệu ha lúa để phục hồi lương thực
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Sudaryono nhấn mạnh là một quốc gia đông dân, Indonesia phải đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực bằng cách tăng cường lĩnh vực nông nghiệp.