Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về chuyển đổi giáo dục. Đây là sự kiện nhằm hướng tới Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Dự hội thảo có điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis; Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers; Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam, ông Christian Manhart; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện nhiều bộ, ngành.
Xây dựng nền giáo dục chất lượng, bình đẳng
Hội thảo tham vấn quốc gia được tổ chức nhằm phát triển tầm nhìn chung về tương lai của giáo dục Việt Nam và tìm ra giải pháp, hành động khả thi cũng như khuyến khích sự đoàn kết, chung tay từ các cơ quan, ban ngành trong xã hội để thực hiện các cam kết, các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục có chất lượng.
Theo bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, với định hướng của mục tiêu phát triển bền vững số 4 thì đây là thời điểm thích hợp để thực hiện khôi phục và cải cách.
Bà Pauline Tamesis cho rằng để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này, bao gồm: Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, mất mát trong học tập, khoảng cách số, bất bình đẳng giới, thiếu hụt tài chính cho giáo dục và các nhu cầu cụ thể khác từng nhóm trẻ em/thanh thiếu niên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Christian Manhart, Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho hay hội nghị tham vấn diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng, khi Việt Nam đang xem xét và khẳng định lại các phương pháp tiếp cận để đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 4.
“UNESCO đang tích cực hỗ trợ các hệ thống giáo dục trên thế giới tham gia vào một cuộc thảo luận toàn cầu về việc tái hình dung về kiến thức, giáo dục và học tập trong một thế giới ngày càng phức tạp, bất ổn và bấp bênh, và nhất định rằng kết quả của cuộc thảo luận này sẽ đưa ra những đóng góp cực kì quan trọng,” ông Christian Manhart nói.
Ba trụ cột định hướng
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết sau ba năm chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để việc dạy và học không bị gián đoạn, chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo. Sau những tác động từ đại dịch, Việt Nam cũng nhận thức rõ hơn về hệ thống giáo dục quốc gia và đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược về tương lai của giáo dục nước nhà, những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động.
[Nhìn lại năm học đặc biệt sóng gió của ngành giáo dục]
Thứ trưởng cũng chỉ rõ ba trụ cột sẽ được tập trung trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Thứ nhất là chuyển đổi hệ thống quản trị của lĩnh vực giáo dục và phát triển đội ngũ lãnh đạo có năng lực phù hợp với thời đại. Với quy mô 24 triệu học sinh, sinh viên, gần 1,5 triệu cán bộ, giáo viên cùng với nguồn tài chính được phân bố khoảng gần 20% chi ngân sách quốc gia, hệ thống quản trị và trình độ đội ngũ lãnh đạo của ngành giáo dục phải được cấu trúc, theo kịp các yêu cầu về đáp ứng chất lượng.
“Chính vì vậy, việc cần thiết hiện giờ là phải xây dựng các mô hình đào tạo những nhà lãnh đạo giáo dục xuất sắc, có tầm nhìn để điều hành tốt các cơ sở giáo dục trường đại học, cũng như nhà trường phổ thông các cấp. Đội ngũ lãnh đạo mà chúng ta mong muốn phải là các cá nhân có khả năng kết nối giữa học thuật và nền công nghiệp để gia tăng giá trị đào tạo trong nhà trường”, Thứ trưởng nói.
Thứ hai, giáo dục Việt Nam cần tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, phát triển ước mơ, hoài bão cho những người trẻ, chuyển đổi từ môi trường từ trường học “tĩnh” sang trường học “động”. Ở đó thiết lập các chương trình học tập linh hoạt, nguồn học liệu mở, dựa trên nền tảng của công nghệ số, bảo đảm tiếp cận giáo dục công bằng, hiệu quả cho tất cả người học.
Thứ ba, công nghệ số sẽ là nền tảng cho các quá trình chuyển đổi. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ phát triển và ứng dụng của các phương thức tiếp cận học tập mới như học tập thích ứng và tự định hướng cũng như các công cụ ảo để cộng tác và giao tiếp tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào. Thông qua việc chuyển đổi môi trường học tập ứng dụng công nghệ, việc học sẽ trở thành trung tâm nơi công nghệ số sẽ kiến tạo các nền tảng tương tác, cũng như cá nhân hóa việc học. Công nghệ số cũng giúp tạo dựng mô hình tiếp cận mới cho những người học trưởng thành có nhu cầu rất đa dạng.
“Để tiến hành thành công chuyển đổi giáo dục chắc chắn sẽ cần sự hợp tác, cam kết đồng hành của các bộ, ban ngành, của hợp tác công tư giữa các bên liên quan, nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để tạo dựng các mô hình phối hợp hướng đến sự chuyển đổi giáo dục phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Nhằm làm rõ hơn các yêu cầu cụ thể để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục bền vững, hội thảo cũng có 4 phiên thảo luận với các chủ đề: đảm bảo việc phục hồi hoàn toàn sau sự gián đoạn giáo dục do đại dịcsh COVID-19; xác định các chuyển đổi và đòn bẩy chiến lược chính để tái thiết nền giáo dục cho thế kỷ 21 và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu giáo dục chung; đảm bảo nguồn tài chính công cho giáo dục được tăng cường và bền vững hơn; khơi dậy tham vọng về chỉ tiêu và các tiêu chuẩn của giáo dục quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững số 4.
Kết quả của hội thảo sẽ cung cấp các thông tin cho các chính sách và hành động của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia và là cơ sở để Việt Nam tham gia vào các sự kiện cấp cao khác, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục./.
Trong bối cảnh khủng hoảng học tập toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19, nền giáo dục chất lượng của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm 2022, do Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres chủ trì. Hội nghị nhằm huy động cam kết chính trị, các hành động và giải pháp, cùng sự đoàn kết để chuyển đổi nền giáo dục nhằm nỗ lực khắc phục những tổn thất về học tập gây ra bởi đại dịch đồng thời tái thiết và hình dung lại các hệ thống giáo dục cho thế giới hôm nay và mai sau. Từ đó, hội nghị kêu gọi việc khôi phục các nỗ lực của quốc gia và toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 4 về xây dựng một nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cũng như nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, đảm bảo tất cả trẻ em và thanh thiếu niên hoàn thành chương trình giáo dục công bằng và chất lượng vào năm 2030./. |