Ba tín hiệu từ đòn trả đũa thương mại với Mỹ của Trung Quốc

Từ khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh luôn nói rằng không muốn cuộc chiến thương mại, cũng không sợ cuộc chiến thương mại. Nếu Mỹ khăng khăng tiến hành, Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng.
Ba tín hiệu từ đòn trả đũa thương mại với Mỹ của Trung Quốc ảnh 1Trung Quốc áp thuế bổ sung hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 16 tỷ USD. (Nguồn: WIBW.com)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với người đồng cấp phía Mỹ Mike Pompeo tại Singapore ngày 3/8. Sau khi cuộc gặp kết thúc, Vương Nghị cho biết hai bên đã nhất trí với nhau về các phương hướng lớn.

Nhưng khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, Ủy ban Thuế vụ Hải quan thuộc chính phủ Trung Quốc quyết định đánh thuế các mức 5%, 10%, 20% và 25% đối với 5.207 mặt hàng sản xuất tại Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Quyết định trả đũa bất ngờ của Trung Quốc được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ ngày 11/7 tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và tới ngày 2/8, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết nước này có kế hoạch nâng mức thuế trừng phạt từ 10% lên 25%.

Theo tờ Đa chiều có quan điểm thân Trung Quốc ngày 4/8, quyết định của Bắc Kinh phát đi ba tín hiệu.

Thứ nhất, nhằm thể hiện thái độ trước khi trở lại bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại, cho thấy Trung Quốc sẽ không đưa ra nhượng bộ hay thỏa hiệp lớn trong đàm phán.

Từ khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc tới nay, Bắc Kinh luôn nói rằng không muốn chiến tranh thương mại, cũng không sợ chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ khăng khăng tiến hành, Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng.

[Nguyên nhân khiến Mỹ-Trung khó đạt thỏa hiệp thương mại]

Việc Trung Quốc có thái độ cứng rắn được thế giới bên ngoài nhìn nhận như một quân bài để đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại.

Sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, Trung Quốc cũng không có dấu hiệu thỏa hiệp với Mỹ, từ việc áp thuế trả đũa đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 6/7 đến danh sách 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đưa ra hôm 3/8 cho thấy mỗi khi Mỹ ra đòn tấn công, Trung Quốc đã nhanh chóng công bố biện pháp đáp trả.

Trên phương diện mở cửa thị trường, phía Trung Quốc cũng kiên trì bước đi của mình, không vì tranh chấp thương mại với Mỹ mà “loạn nhịp."

Tương tự, trong lần công bố danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế trừng phạt lần này, Trung Quốc vẫn làm theo kế hoạch đã vạch ra, kiên trì thúc đẩy cải cách mở cửa, không vì Mỹ mà thay đổi và phải nhượng bộ lớn trong đàm phán thương mại.

Cho nên việc Trung Quốc công bố biện pháp trả đũa Mỹ vào lúc này chính là muốn nói với Mỹ rằng Trung Quốc sớm đã có kế hoạch mở cửa thị trường, cho dù hai bên có trở lại bàn đàm phán, phía Trung Quốc sẽ không vì nó mà thay đổi thái độ hoặc thỏa hiệp.

Thứ hai, phía Trung Quốc muốn cảnh cáo nghiêm khắc Mỹ trước khi trở lại bàn đàm phán. Tháng 3/2018, Mỹ-Trung bắt đầu vòng đàm phán thương mại thứ ba, ngày 19/5 đưa ra tuyên bố chung ngừng chiến tranh thương mại. Nhưng không lâu sau, Mỹ đơn phương lật đổ kết quả đàm phán, ngày 15/6 tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc Mỹ không giữ lời hứa đã khiến chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang nhanh chóng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố nước này mở rộng cửa cho đàm phán, nhưng phía Mỹ phải giữ lời hứa.

Hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ trở lại quỹ đạo chính, phía Trung Quốc đưa ra danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế trừng phạt trước khi trở lại bàn đàm phán là nhằm cảnh cáo Mỹ không được thất hứa lần nữa.

Thứ ba, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa Mỹ nhưng biện pháp lựa chọn tương đối thận trọng. Tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc tuyên bố nước này đã chuẩn bị sẵn sàng, sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp, bao gồm cả biện pháp số lượng và biện pháp chất lượng.

Điều đó cho thấy Trung Quốc sẽ không chỉ dựa vào số lượng hàng hóa đơn thuần để trả đũa Mỹ. Các biện pháp trả đũa lần này khẳng định phía Trung Quốc sẽ áp dụng cả biện pháp số lượng và biện pháp chất lượng để trả đũa Mỹ.

Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh không vội vàng công bố biện pháp trả đũa mà đợi tới sau khi Mỹ nói sẽ nâng cao mức thuế trừng phạt.

Quyết định này ngoài việc thể hiện quyết tâm trả đũa Mỹ, còn cho thấy Bắc Kinh khá thận trọng trong lựa chọn biện pháp trả đũa.

Từ đó có thể thấy nếu xét ở khía cạnh chất lượng, 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế trừng phạt với các mức khác nhau có tác động không hề kém 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế trừng phạt.

Trong vấn đề thương mại, không có bên nào có thể làm thỏa mãn hoàn toàn mong muốn của bên kia. Nếu muốn giải quyết vấn đề, các bên phải có một số nhượng bộ thỏa đáng, quan trọng hơn là coi trọng tín nhiệm.

Hiện nay, Mỹ muốn đàm phán với Trung Quốc nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên thay đổi sẽ là biến số lớn nhất trong đàm phán thương mại giữa hai nước.

Vì thế, đàm phán thương mại Mỹ-Trung có tiến triển hay không sau cuộc gặp giữa Vương Nghị và Pompeo vẫn cần phải quan sát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục