Ba thử thách lớn để tham gia chuỗi cung ứng của Tổ hợp Samsung

“Chất lượng, thời gian vận chuyển và giá cả đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế” là những tiêu chí mà các doanh nghiệp nội địa có ý định tham gia vào chuỗi cung ứng của Tổ hợp Samsung phải thực hiện.
Ba thử thách lớn để tham gia chuỗi cung ứng của Tổ hợp Samsung ảnh 1 Nhà máy điện thoại Samsung Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

“Chất lượng, thời gian vận chuyển và giá cả đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế” là những tiêu chí để các doanh nghiệp nội địa sẽ phải đáp ứng có ý định tham gia vào chuỗi cung ứng của Tổ hợp Samsung tại Việt Nam.

Thông tin trên do ông Shim Wonhwan, Tổng giám đốc Samsung Complex cho biết tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Samsung Electronics Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài  tổ chức ngày 11/9.

Tại Hội thảo, hơn 200 nhà cung cấp trên toàn quốc trong các lĩnh vực (điện tử, cơ khí, nhựa…) đã có cuộc trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam nói chung và tiếp cận tìm kiếm những cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Tổ hợp Samsung tại Việt Nam.

 

Toàn cầu hóa gia công linh kiện

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, đến nay tổng số vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, “chính những dự án đầu tư của Samsung đã đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 trung tâm sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới trong chưa đầy một thập kỷ, với giá trị sản xuất của 2013 đạt 40 tỷ USD.”

Bên cạnh hoạt động sản xuất, Samsung đã đưa vào hoạt động một Trung tâm nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội với gần 1.200 nhân viên. Theo chiến lược toàn cầu, đại diện Samsung cho biết Tập đoàn đang cân nhắc tiếp tục mở rộng và đầu tư thêm vào trung tâm này.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, câu chuyện cần bàn là bằng cách nào để từ Samsung, người Việt Nam học hỏi được bí quyết công nghệ, nhằm nâng cao trình độ và năng lực của các doanh nghiệp trong nước, đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng đối với thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI).

“Việt Nam có hai nhà máy của Samsung đóng tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ, trong khi hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện,” ông Mại nói.

Về vấn đề này, ông Shim Wonhwan cho rằng, “dù Samsung có mở rộng quy mô sản xuất và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu chăng nữa thì vẫn cần những điều kiện làm tiên đề, và một trong những tiên đề đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực tương ứng.”

Ông Shim lý giải, thị trường thu mua của Samsung đã được toàn cầu hóa, do đó việc gia công linh kiện tất yếu cũng mang tính cầu hóa. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp quốc tế luôn trong thế tự vận động và họ biết kết hợp với sự hỗ trợ từ các Chính phủ, theo đó thế giới đã hình thành nên các hệ thống nhà cung cấp có “thế và lực.” Hơn thế nữa, các nhà cung cấp này đang tạo ra một cơ cấu phối hợp sản xuất tuần hoàn vô cùng hiệu quả, xây dựng nên trình phát triển thành những nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Thiếu chiến lược cho từng sản phẩm

Trên thực tế, các dự án của Samsung đã bước đầu hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng linh kiện điện tử tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh nước ngoài, trong khi chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập vào hệ thống cung cấp này.

Ông Trần Anh Vương, đại diện Công ty Bắc Việt cho biết, mặc dù Bắc Việt hiện đang là doanh nghiệp cung cấp linh kiện duy nhất trong số 6,7 công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung, song Bắc Việt cũng vẫn chỉ là nhà cung cấp thứ cấp.

Khái quát về công nghiệp phụ trợ, giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh, “đây không phải là một ngành công nghiệp và nó gắn với các sản phẩm cuối cùng, như ôtô, xe máy, hàng may mặc, giày da…

Giáo sư cũng dẫn chứng thực trạng, hiện nay giá trị gia tăng trong ngành may mặc của Việt Nam đạt khoảng 35-40%, giày-dép khoảng 30%, hàng điện tử 30%... song hầu hết thực hiện lại là khu vực nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Nguyên nhân có thực trạng này, ông Mại cho rằng là do Việt Nam vẫn chưa có chiến lược ưu tiên phát triển một vài loại công nghiệp hỗ trợ quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ chưa tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa lập được các mô hình liên kết theo diều dọc và theo chiều ngang để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Đáp ứng các yêu cầu về thông tin của các nhà cung cấp Việt Nam, ông Jang Hoyoung, Tổng giám đốc bộ phận mua hàng Samsung Electronics Việt Nam đã giới thiệu và cho biết những thực trạng, nhu cầu và linh kiện cần cũng như yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia trở thành vệ tinh cho Samsung.

Theo đó, các nhà cung cấp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng (quy trình ra quyết định, đáp ứng nhanh, cơ sở dữ liệu khách hàng..), điều kiện giao hàng, giá cả (sức cạnh tranh cao), môi trường, tài chính, luật (lao động, quyền con người)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục